(Cinet) - Ngày 21/9, tại Thành phố Quy Nhơn, Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sỹ Hàn Mặc Tử (22/9/1912 – 22/9/2012).
Đây là dịp để công chúng và những người yêu văn học nghệ thuật hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử, về mảnh đất và con người Bình Định với truyền thống tôn văn, thượng võ.
Tham gia chương trình hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử có có đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở, đông đảo hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên và những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22.9.1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới. Thuở nhỏ ông học trung học ở Huế (1928-1930), làm viên chức sở đạc điền ở Quy Nhơn (1932-1933), vào Sài Gòn làm báo rồi lại trở về Quy Nhơn (1934-1935). Ông mắc bệnh phong từ năm 1937, phải vào nhà thương Quy Hoà tháng 9.1940, rồi mất ở đó vào ngày 11/11/1940.
Hàn Mặc Tử bắt đầu làm thơ rất sớm với thể thơ Đường luật và các bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần; nổi tiếng vì được cụ Phan Bội Châu hoạ thơ và đề cao. Từ năm 1935 ông đổi bút hiệu thành Lệ Thanh, rồi Hàn Mạc Tử, và cuối cùng Hàn Mặc Tử. Tác phẩm tiêu biểu gồm các tập thơ “Gái quê” (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản khi tác giả còn sống), Đau Thương (hay Thơ Điên), Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi Giữa Mùa Trăng…
Chỉ ngang qua cõi trần vỏn vẹn 28 năm, nhưng Hàn Mặc Tử đã đem đến cho Thơ Mới một phong cách độc đáo và sáng tạo. Bên cạnh những tác phẩm bình dị, trong trẻo, chan chứa tình quê là các tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí, thậm chí đến điên loạn, phản ảnh trực tiếp một tâm hồn yêu thơ, yêu đời chan chứa, nhưng lại quằn quại vì cơn bệnh đau đớn dày vò.Ông được xem là một trong những người khởi đầu dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, người khởi xướng ra trường thơ loạn, trường thơ điên.
CN


Theo cinet.vn