(Cinet) – “Lịch sử và văn hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh” là chủ đề cuộc tọa đàm vừa diễn ra vào sáng ngày 15/10 tại Hà Nội.
Tọa đàm do Viện Văn học Việt Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp tổ chức<strong style='mso-bidi-font-weight:normal'> [/B]với sự tham dự của<strong style='mso-bidi-font-weight:normal'> [/B]các GS; PGS; TS; các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học; các nhà văn, dịch giả, nhà báo và những người quan tâm đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Tọa đàm được tổ chức nhằm hướng tới những cách tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh như một hiện tượng đáng chú ý của tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21; đồng thời khẳng định những nỗ lực tìm kiếm cũng như chỉ ra những hạn chế trong nghệ thuật tự sự nhằm nhận diện, lý giải chuyển động của tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Gần 30 tham luận của các nhà văn, nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học từ Viện Văn học Việt Nam, từ các trường Đại học từ miền Bắc đến miền Trung… gửi về cuộc tọa đàm đã góp phần luận giải, phân tích sự thành công trong tư duy nghệ thuật, cấu trúc tư tưởng và diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Nhìn chung, các tham luận đã tập trung vào những chủ đề chính như: Nhận định về hư cấu lịch sử và tiến trình tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh; Tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc độ văn hóa; Sự đổi mới tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ trường hợp Nguyễn Xuân Khánh...
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh học đại học Y Hà Nội trong những năm 1951-1952. Năm 1953 ông ra nhập ngũ ở khu Bốn. Năm 1959 nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1965 ông chuyển ra làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được biết đến như một cây bút tiểu thuyết hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại, với bộ ba tiểu thuyết văn hóa - lịch sử đồ sộ: 'Hồ Quý Ly' (2000), 'Mẫu thượng ngàn' (2006) và mới đây nhất là 'Đội gạo lên chùa' (2011). Các tác phẩm này không chỉ giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội mà còn liên tiếp được tái bản và được đông đảo độc giả đón nhận.
TH


Theo cinet.vn