(Cinet) – “Xuân Quỳnh - Còn mãi một tình yêu” là chủ đề cuộc tọa đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vào sáng qua (23/10) tại Hà Nội. [IMG]/userfiles/image/2012/images43.jpg[/IMG]Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988).
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh đối với nền văn học Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của nhà thơ (1942-1988).
Tọa đàm có sự tham gia của các nhà thơ, dịch giả, các nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, người thân của nữ thi sỹ cùng đông đảo bạn đọc yêu thơ Xuân Quỳnh.
Đánh giá về thơ của Xuân Quỳnh, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Thơ của Xuân Quỳnh không phải là thứ thơ tình thuận bằng trắc để dễ thuộc lòng, nhưng một khi đã đi vào hồn người, nó sẽ mắc lại ở đó và trở thành cái mà người ta vẫn gọi là “những câu thơ thuộc nằm lòng”. Những câu thơ ấy giống hệt như những giọt nước sau cơn mưa qua, còn đọng lại trên lá cây. Chỉ cần một làn gió xúc cảm ở đâu chợt đến là những câu thơ ấy sẽ ào ạt rơi ngay xuống vùng tâm thức và mồn một hiện lên giữa lòng ta. Có lẽ cái “khát vọng tình yêu” từng thiêu đốt thơ Xuân Quỳnh cũng thiêu đốt luôn cả người đọc nó.
PGS.TS Lưu Khánh Thơ khẳng định: Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ tình hàng đầu của thời kỳ hiện đại. Từ chặng đường đầu tiên mới bước vào làng thơ cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, trái tim Xuân Quỳnh luôn cồn lên với những khát vọng yêu thương không ngừng nghỉ. Xuân Quỳnh là một nhà thơ bẩm sinh, một nhà thơ vút lên từ số phận, từ tình yêu không bao giờ vơi cạn. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, chị đã đi một cách trọn vẹn trên con đường lớn của thơ ca. Con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Hàng mấy chục năm nay, thơ Xuân Quỳnh đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ bạn đọc và nó sẽ còn song hành cùng với những thế hệ mai sau.
Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà phê bình văn học, các nhà thơ và người yêu thơ đã dành nhiều tình cảm trong những bài viết, bài đánh giá về thơ Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông. Vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi và trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964).
Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ tình hàng đầu của thời kỳ hiện đại. Các tác phẩm của Xuân Quỳnh là những trải lòng về tình yêu, về cuộc sống, về những tâm tư của người phụ nữ nhưng vượt lên tất cả là nghị lực sống, là sự bao dung. Xem thơ chị, người đọc cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dạt dào tình cảm như chính tâm hồn của chị.
Nhà thơ Xuân Quỳnh được nhiều người biết đến với những bài thơ tình nổi tiếng như: “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Hoa cỏ may”, “Tự hát”, “Nói cùng anh”... Riêng bài thơ “Sóng” và “Truyện cổ tích về loài người” được đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường phổ thông nhằm giáo dục các thế hệ học sinh về lòng yêu cuộc sống, yêu con người. Bài thơ “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu” của nữ sĩ được phổ nhạc thành công và được nhiều độc giả đón nhận. Trong kho tài sản thơ của chị còn một phần dành cho thiếu nhi như “Bầu trời trong quả trứng”, “Mùa xuân trên cánh đồng”, “Vẫn có ông trăng khác”…
Với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam, Xuân Quỳnh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
CN/TTX


Theo cinet.vn