Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt – Nga, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Văn học người Việt ở Nga – Một chặng đường”.
Buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn giới thiệu tới bạn đọc một mảng văn học lớn, đó là văn học của người Việt Nam tại Nga. Đây cũng là một hoạt động nhằm tăng cường tình hữu nghĩ giữa hai nước Việt Nam - Nga.
Từ năm 1957, đoàn nhà văn Việt Nam đầu tiên đã chính thức thăm Liên Xô. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX đã có hàng trăm lần các nhà văn, nhà thơ danh tiếng của Việt Nam thường xuyên tới thăm 'quê hương của những lâu đài văn chương vĩ đại của nhân loại' này.
Đến mùa thu năm 1992, Tạp chí Người bạn đường được thành lập đã quy tụ những gương mặt nhà văn, người yêu văn chương người Việt Nam tại Liên bang Nga. Trên diễn đàn văn chương này dần dần nhận diện được những gương mặt quen thân như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Thùy Linh..., cùng hàng loạt các cây bút nổi lên từ các trường đại học trên khắp Liên bang Nga như: Nguyễn Thị Kim Hiền, Nguyễn Thông, Lê Anh Tuấn...
Vào tháng 8 năm 1994, Hội Văn học Nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của gần 100 cây bút thơ, văn, nhạc vốn đã và đang học tập, lao động, sinh sống chủ yếu ở Matxcơva. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng của quá trình hình thành và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt tại Nga, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của đời sống văn hóa cộng đồng và tạo nhịp cầu thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa cộng đồng người Việt với các nhà văn, nhà văn hóa Nga.
Từ năm 2003 trở lại đây, Hội Văn học Nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga đã cho xuất bản định kỳ tờ tạp chí văn chương mang tên Tao đàn, với nội dung và chất lượng nghệ thuật được nâng lên rõ nét. Song hành với tờ báo viết là trang báo mạng nguoibanduong.net kịp thời chuyển lượng thông tin văn hóa, văn học đa chiều góp phần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc khắp nơi trên toàn cầu thời hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế.
PGS.TS, nhà thơ Bùi Quang Thanh – Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga cho biết: Trải qua những năm tháng xây dựng và trưởng thành, đội ngũ những người làm văn học của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga đã có những đóng góp rất đáng quý và đáng tự hào. Hơn 50 đêm thơ – nhạc được tổ chức, 14 số tạp chí Người bạn đường với chất lượng cao đã chiếm được tình cảm sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, hành loạt tập thơ của các hội viên được xuất bản, nhiều truyện ngắn xuất hiện trên báo chí tại Matxcơva được đánh giá cao... Dù còn những khiêm tốn nhưng văn chương của người Việt tại Liên bang Nga đã có những đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa của một cộng đồng tương đối lớn và có những nét đặc thù không giống với bất kỳ cộng đồng người Việt nào ở các nước trên thế giới như Ba Lan, Pháp, Mỹ, Úc, Đức... Có thể nói không ở nước nào có đội ngũ văn nghệ sĩ Việt kiều đông đảo như ở Liên bang Nga. Nhiều người khi về nước đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Tiến Hóa, Tô Hoàng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến. Một số tác giả tên tuổi hiện vẫn đang sống ở Nga như Châu Hồng Thủy, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Kim Hiền…
Tại buổi tọa đàm, những tác phẩm gắn với nước Nga cũng được giới thiệu, như “Địa tầng đứt gẫy” của Nguyễn Tiến Hóa; “Matxcơva thời mở cửa” của Nguyễn Huy Hoàng, “Hoa bồ công anh” của Thiên Can, “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến, “Ngẩng mặt kêu trời” của Tô Hoàng, “Heo may xứ tuyết” của Bùi Quang Thanh, “Con kiến tật nguyền” của Nguyễn Đình Lâm, “Tuyết lạnh sau mặt trời” của Nguyễn Hiếu…
Bên cạnh tọa đàm là triển lãm và giới thiệu về văn học của người Việt tại Liên bang Nga, đặc biệt là những tác phẩm giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước đến nay. Cùng với đó là hình ảnh nước Nga trong những trang viết của người Việt đã từng sống, học tập, công tác tại đất nước xứ sở bạch dương.
Theo CPV


Theo cinet.vn