(Cinet) - Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (2002-2012) đã diễn ra trọng thể tại trụ sở Hội Nhà văn việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) ngày 4/12.
Buổi lễ có sự tham dự của đại diện lãnh các Bộ, ban, ngành, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình cùng đông đảo bạn đọc yêu thơ Tố Hữu.
Sau lễ dâng hương tưởng nhớ nhà thơ Tố Hữu, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đã cùng chia sẻ cảm xúc về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Tố Hữu.
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (4/10/1920 – 9/12/2002) tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Sức mạnh của thơ Tố Hữu được thể hiện ở lý tưởng cộng sản mà nhà thơ suốt đời theo đuổi. Thơ ông cũng hấp thụ được nguồn mạch dân tộc, thể hiện sự thống nhất giữa cách mạng và dân tộc trong hình thức nghệ thuật. Qua những bài thơ của ông, thế hệ sau không quên những tháng năm gian khổ của đất nước, một chặng đường lịch sử đã được khắc họa sinh động trong những vần thơ ấy. Và trên một tầng cao hơn, thơ ông vẫn luôn sống mãi với thời gian, với lòng yêu mến của nhiều thế hệ độc giả.
Với những đóng góp xuất sắc cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam, năm 1996, nhà thơ Tố Hữu vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật (đợt 1), giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996 cho tập thơ 'Một tiếng đờn', Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho tập thơ “Việt Bắc”...
Được biết, nhân dịp này, một chương trình văn nghệ tưởng nhớ nhà thơ Tố Hữu sẽ được tổ chức vào chiều 8/12 tới tại Nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu (Làng quốc tế Thăng Long).
TH


Theo cinet.vn

View more random threads: