(Cinet)- Thời gian gần đây, trên thị trường văn học nước nhà đang xuất hiện hàng loạt các tác phẩm thuộc thể loại du ký. Nó đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý và ngay lập tức thu hút được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Vậy lý do nào đã khiến cho dòng văn học nhiều năm “vắng bóng” giờ lại “hồi sinh”? [IMG]/userfiles/image/2013/duky.jpg[/IMG]Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Thực chất, thể loại văn học du ký hay còn gọi là thể tài du ký đã xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ văn học trung đại, truyền thống ghi chép về 'cái có thật' đã xuất hiện trong các bài thơ, bài phú với nội dung ghi chép lại những sự kiện, danh lam thắng cảnh trong các cuộc du hành của những người lữ khách. Một số tác phẩm ký nổi tiếng như “Thanh hư động ký” (Nguyễn Phi Khanh), “Lam Sơn thực lục” (Nguyễn Trãi), “Bắc Sứ thông lục” (Lê Quý Đôn), “Thượng Kinh ký sự” (Lê Hữu Trác)…
Tuy nhiên trong một thời gian dài, dường như dòng văn học này bị lãng quên cho tới khi hàng loạt những tác phẩm như: Tôi là một con lừa (Phương Mai), Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc), Ðảo thiên đường (Dili), Warsawa thân yêu (Lê Thanh Hải), Dưới nắng trời châu Âu (Hoàng Yến Anh)… ra đời.
Cùng với những tác phẩm đó là sự phát triển của lực lượng các cây viết chuyên nghiệp và không chuyên. Chính vì vậy người ta có thể dự đoán rằng, trong tương lai không xa, văn học du ký sẽ phát triển mạnh mẽ bởi những trang sách đó không chỉ đơn giản là những chuyến hành trình địa lý mà còn là hành trình tinh thần, văn hóa, những người thật, việc thật được thể hiện dưới ngòi bút văn chương có tích lũy cả vốn tri thức.
Các tác giả ngày càng hứng thú kể lại những chuyến đi, còn độc giả thì hào hứng khi được trải nghiệm qua những trang văn ăm ắp thông tin thú vị. Người ta từng nói rằng trong cuộc đời có hai điều bổ ích nhất là đi nhiều và đọc nhiều. Nhưng thử hỏi mấy ai làm được cả hai? Vì thế mà phần lớn số đông chọn cách đọc những tác phẩm viết về các chuyến đi để tận hưởng sự sống động theo từng bước chân người viết và gieo vào lòng mình cảm hứng sống, chắt lọc kinh nghiệm sống.
Mảng văn học du ký “nở rộ” cũng do sự phát triển và phổ biến của hình thức du lịch “phượt” trong giới trẻ hiện nay. Nó như một “luồng gió mới” thổi vào thị trường sách văn học. Nhưng để có được sự đón nhận của độc giả là một thử thách không dễ dàng bởi không phải bất cứ chuyến đi nào cũng trở thành câu chuyện hấp dẫn nếu không có cách diễn đạt và lối dẫn dắt độc đáo, mới mẻ.
Bên cạnh đó, một đặc điểm thú vị của trào lưu này là số lượng tác giả nữ chiếm phần đông so với nam giới. Ðiều đó cho thấy phần nào hình ảnh của những người phụ nữ thế hệ mới có tri thức, sự mạnh mẽ, độc lập, tự tin, khao khát sống và khao khát được thể hiện mình. Họ đang góp phần thay đổi những định kiến bấy lâu nay và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Trong khi nhiều tác phẩm mới đang chờ được ra mắt thì những phần tiếp theo của các cuốn sách ăn khách cũng đang được gấp rút thực hiện. Hy vọng rằng cùng với những hành trình của giới trẻ, sự nhiệt tình đóng góp của các ngòi bút kỳ cựu, văn đàn Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều trang du ký sống động, hấp dẫn để văn học du ký - một thể loại văn học tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử không bị chìm lắng trước sự lấn át của nhiều loại hình văn hóa giải trí sôi động khác.
T.T


Theo cinet.vn

View more random threads: