(Cinet)- “Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của GS Nguyễn Huệ Chi là một công trình nghiên cứu tầm cỡ có giá trị và ý nghĩa để tiếp cận văn học một cách có hiệu quả đồng thời còn là bài học để thanh niên Việt Nam hiện nay có thể tham khảo và học tập. Bìa cuốn sách.
Ngày 19/9, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm giới thiệu sách “Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Buổi toạ đàm có sự tham dự của các diễn giả: Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Tiến sỹ Đặng Thị Hảo, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Chu Hảo.

“Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” là chọn tuyển các công trình của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, phản ánh một cách đọc, hiểu và cảm của một người nghiên cứu chuyên sâu văn học Cổ cận đại dân tộc trong 50 năm, được sắp xếp thành bốn phần, bám sát hệ thống tư duy khoa học của tác giả. Đây là cuốn sách quý dành cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu, các nghiên cứu sinh, sinh viên chuyên ngành về văn học, văn hóa cổ phương Đông, Việt Nam và tất cả những ai yêu thích tìm hiểu truyền thống lâu dài của văn học dân tộc. Qua cuốn sách này, thế hệ trẻ Việt Nam có thể hiểu được rõ hơn về lịch sử nước nhà cũng như quá trình hình thành văn học Cổ cận đại Việt Nam.

Sách dày 1.200 trang, khổ 16x20cm với cấu trúc gồm bốn phần hô ứng chặt chẽ, bám sát hệ thống tư duy khoa học của nhà nghiên cứu: Hai phần đầu, tiếp cận các hiện tượng văn học, từ dạng thức văn bản (thơ, văn) đến gương mặt văn, thi gia, trải dài mười thế kỷ. Phần thứ ba, tiếp cận các tiến trình văn học, theo chiều hướng biến chuyển hết thăng đến giáng của chế độ phong kiến, hoặc thông qua các chuyển động lịch sử bất thường có ảnh hưởng đến tâm lý toàn xã hội như biến cố chống xâm lăng, giải phóng dân tộc, cùng với cả những biến đổi tiệm tiến, sâu xa trong phạm vi vĩ mô của vùng văn hóa Đông Á có tác động nhiều ít đến quan niệm thẩm mỹ chi phối văn học mỗi thời kỳ. Phần thứ tư, tư duy phương Đông và một vài đặc trưng văn học sử, nhấn mạnh tính chất “khu vực” quy định phương thức tư duy nghệ thuật đặt thù của văn học Việt Nam Cổ cận đại trong mười thế kỷ sáng tác văn học.

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục, chuyên gia nghiên cứu văn học Cổ cận đại Trung Quốc cho biết: Cuốn sách là một công trình nghiên cứu tầm cỡ có giá trị và ý nghĩa về văn học Cổ cận đại Việt Nam. Nó không chỉ cung cấp những tư liệu quý báu, đề ra những lý thuyết, phương pháp, thao tác để tiếp cận văn học một cách có hiệu quả mà nó còn là bài học để thanh niên Việt Nam hiện nay có thể tham khảo và học tập. Cuốn sách nghiên cứu vấn đề xưa nhưng lại được gửi gắm vào thế hệ nay.

T.H


Theo cinet.vn