Đối với một dịch giả như ông Nguyễn Bá Chung, việc quảng bá văn học Việt Nam đến với thế giới luôn là một nỗi trăn trở. [IMG]/userfiles/image/2013/img_3407.jpg[/IMG]Dịch giả Nguyễn Bá Chung. (ảnh: Phương Thúy)
Từ “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu đến “Thơ Việt Nam qua chiến tranh”, “Thơ Thiền Việt Nam”, dịch giả - nhà thơ Nguyễn Bá Chung đã góp phần đem đến cho bạn đọc Mỹ nói riêng và thế giới nói chung cái nhìn rõ ràng hơn về đất nước, con người Việt Nam không chỉ trong chiến tranh. Hơn 20 năm gắn bó với trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner) - chuyên nghiên cứu hậu quả chiến tranh và xã hội thông qua những hoạt động văn hóa nghệ thuật, dịch giả Nguyễn Bá Chung đã và đang từng bước đưa văn học Việt Nam tới các độc giả Mỹ.
PV: Thưa nhà thơ - dịch giả Nguyễn Bá Chung, vì sao những tác phẩm đầu tiên ông chọn để chuyển ngữ sang tiếng Anh đều là tiểu thuyết hoặc thơ về đề tài chiến tranh?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Một trong những lý do mà Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh Việt Nam là do họ không hiểu rõ văn hóa Việt Nam, không hiểu rõ lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Sau chiến tranh, nhu cầu để người Mỹ tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam rất lớn. Vì vậy, điều cần thiết nhất là cung cấp những bài thơ viết về chiến tranh để họ hiểu được cuộc chiến tranh, qua đó họ sẽ có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn nữa.
PV: Ban đầu, đó là tác phẩm nào thưa ông?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Quyển đầu tiên mà Trung tâm William Joiner chọn để dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ do tôi đồng tuyển chọn là tác phẩm “Thơ Việt Nam qua chiến tranh từ năm 1948-1993”. Bài thơ đầu tiên là bài “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài thơ cuối cùng là của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
PV: Ông còn nhớ dư luận của độc giả Mỹ khi tập thơ ấy ra đời?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Những tác phẩm dịch mà Trung tâm William Joiner xuất bản đều có giá trị đặc biệt. Những lớp học về lịch sử Đông Nam Á, về Việt Nam thường hay dùng các tác phẩm đó để giới thiệu văn hóa của người Á Châu.
Chẳng hạn, nhận định về những tác phẩm mà Joiner xuất bản, có một nhà phê bình đã viết: “Tôi đã đọc rất nhiều về lịch sử Việt Nam, về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng tôi vẫn không hiểu cuộc chiến tranh đó như thế nào cả. Nhưng sau khi đọc tác phẩm dịch thơ này của người Việt Nam thì lúc đó tôi mới bàng hoàng nhận ra cuộc chiến tranh thực sự ác liệt đến như vậy, ý nghĩa của nó sâu sắc đến như vậy. Chỉ có thơ mới tạo cho người đọc một phản ứng tình cảm mà một bài học lịch sử chưa chắc đã đem lại được cảm tưởng ấy”.
PV: Ông có thể nói thêm về công tác hậu cần, chuẩn bị để làm sao chọn lựa được những tác phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử để giới thiệu tới bạn đọc Mỹ?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Tuy tôi là người Việt nhưng đã ở nước ngoài khá lâu nên những bài thơ Việt Nam trong thời gian chiến tranh lúc đầu tôi không biết rõ.
Hồi đầu, qua liên hệ với Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã sử dụng những tài liệu trong nước, chẳng hạn như “Tuyển tập thơ chiến tranh” là dựa vào sự tuyển chọn của nhà thơ Anh Ngọc ở trong nước. Mình phải đi, dựa trên vai của những người làm công tác tuyển chọn của những người đi trước chứ không phải bắt đầu từ con số không.
PV: Cho đến nay thì ông cùng với những người bạn của mình tại Trung tâm William Joiner chuyển ngữ được bao nhiêu tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Thực sự Trung tâm Joiner mới xuất bản được 12 tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu. Đây là tác phẩm hấp dẫn, vừa phù hợp với nhiều lứa tuổi. Ở đó, chỉ mình tôi là người Việt Nam nên sự đóng góp cũng chỉ giới hạn trong khả năng của mình.
Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi cùng hợp tác với nhà thơ Nguyễn Duy và cho ra đời “Thơ Thiền Việt Nam”. Thành ra không chỉ có thơ chiến tranh mà tôi nghĩ thơ Thiền cũng là một nét rất đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
PV: Không chỉ riêng tại Mỹ, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay phải chăng đang gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Dịch giả Nguyễn Bá Chung: Đó là một mục tiêu lâu dài của tất cả những người làm văn học để tăng sự hiểu biết giữa các quốc gia. Vấn đề quảng bá văn học của Việt Nam tại Mỹ cũng là một thách thức lớn.
Nếu mình dịch được những bài thơ hay, hấp dẫn người đọc thì việc quảng bá sẽ nhanh và có hiệu lực hơn. Đó là điều mà mình phải tiếp tục cố gắng từ thế hệ này sang thế hệ khác để có những bài thơ nói về văn hóa và lịch sử của mình để người đọc xúc động.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV<em style='mso-bidi-font-style:normal'>[/I]



Theo cinet.vn