Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi.



(Cinet)- Miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, cho đến những giây phút cuối của cuộc đời, nhà văn, nhà viết kịch, nhà hoạt động cách mạng lão thành Học Phi dường như chưa bao giờ biết mệt mỏi.

Trong những ngày cả nước đang tưng bừng hướng về Điện Biên Phủ kỷ niệm 60 chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, bỗng nghe tin nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - tác giả của những vở kịch nổi tiếng như: Cà sa giết giặc, Ni cô Đàm Vân..., cụ thân sinh của nhà văn Chu Lai - tạ thế hồi 14h56 ngày 6/5, thọ 102 tuổi đã làm nhiều người, đặc biệt là những người yêu mến ông không khỏi bàng hoàng xúc động.

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1913 tại tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, được kết nạp Đảng năm 1932. Bị thực dân Pháp bắt và tù đầy tại nhà tù Hoả Lò trong các năm 1934 - 1936. Tháng 8/1945, ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên; sau đó được bổ nhiệm là Đổng lý Văn phòng Bộ Thông tin Tuyên truyền, chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Từ 1957 - 1983, ông là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (khoá I).

Năm 1936, Học Phi bắt đầu sự nghiệp viết văn. Tác phẩm đầu tay ông viết là tiểu thuyết Hai làn sóng ngược, dựa trên vở kịch ngắn cùng tên của Nguyễn Văn Năng, sau đổi tên thành Xung đột đăng trên báo Đời Nay. Năm 1944, ông bắt đầu viết kịch, vở kịch đầu tay là Đào Nương. Các vở kịch ngắn về sau có thẻ kể tới Chị Hòa, Bên đường dốc, Một đảng viên, Lúa mùa thu, Mở đường, Mai... đã gây được tiếng vang lớn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Học Phi đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực. Sự nghiệp viết văn, viết kịch của ông khá đồ sộ với trên 30 vở kịch, 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký và kịch bản sân khấu... mà nhân vật, hình tượng trung tâm là người đảng viên cộng sản. Nhiều tiểu thuyết, kịch bản đã được giới văn nghệ sĩ đánh giá là những tác phẩm tạo dấu ấn bởi sự đột phá về phong cách nghệ thuật và tư tuy người cầm bút. Có thể kể đến những tác phẩm như Xung đột, Đắm tàu, Một đảng viên, Ni cô Đàm Vân, Ngọn lửa, Hừng đông...

Với những cống hiến của mình, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I), Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sống hơn một thế kỷ, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi đã có sự nghiệp gần 80 năm cầm bút. Có thể nói, trọn cuộc đời mình, Học Phi đã dành cho sự nghiệp văn học nghệ thuật với nguồn cảm hứng bất tận về Đảng, lịch sử và cách mạng. Ngay khi đã trút hơi thở cuối cùng, tác giả Học Phi vẫn đang dang dở một kịch bản phim về thời kỳ cách mạng, trích từ cuốn tiểu thuyết với tên gọi Âm vang Bãi Sậy. Điều này cũng chính là tâm nguyện của một nghệ sĩ dẫu tuổi đã già nhưng dường như chưa bao giờ biết mệt mỏi, như nhà văn, nhà viết kịch Học Phi từng nói, khi còn sức lực, ông sẽ vẫn tiếp tục sáng tác và cống hiến. Bởi với ông, viết chính là sợi dây kết nối người nghệ sĩ với cuộc sống.






Vở 'Ni cô Đàm Vân' đã gắn liền với tên tuổi của Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi.





Nhà văn Chu Lai từng chia sẻ khi nói về người bố uyên bác của mình: Ông cho thấy sức mạnh kỳ lạ về năng lực cầm bút. Hơn 100 tuổi ông vẫn còn viết, cho tới khi sức khỏe không cho phép mới thôi. Ông viết mọi thể loại nhưng sân khấu vẫn là lĩnh vực nổi hơn cả. Những kịch bản Ni cô Đàm Vân, Hoàng lan, Cô hàng rau, Cà sa giết giặc, Chị Hòa... được dựng đi dựng lại trên nhiều sân khấu, vang bóng một thời.

Nguyên Hà

Theo cinet.vn

View more random threads: