Bìa cuốn sách 'Việt Nam - tình yêu của tôi' .



(Cinet)- “Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu của mình”.

Nhà xuất bản Tri thức vừa phối hợp với Đại sứ quán Áo tại Việt Nam tổ chức ra mắt cuốn sách “Việt Nam, tình yêu của tôi”. Cuốn sách là cuốn tiểu sử tự biên của tác giả người Áo Ernst Frey do dịch giả Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh biên dịch.

Giới thiệu về cuốn sách, GS Chu Hảo, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức cho biết: “Việt Nam, tình yêu của tôi” là tiểu sử tự biên của tác giả người Áo Ernst Frey. Ernst Frey xem mình là một người Do Thái thành Vienna phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tham gia cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Ernst Frey có tên là Nguyễn Dân.

Ernst Frey sinh năm 1915 ở thành phố Vienna, Áo. Năm 1934, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và nhiều lần bị giam giữ dưới chế độ phát-xít Áo. Tháng 4/1938, ông trốn chạy sang Thụy Sĩ và tại đây ông bị giam giữ nhiều tháng. Khi được tự do, ông đến Pháp với mục tiêu tham gia Binh đoàn Quốc tế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, nhưng sau đó ông lại rơi vào Đội quân Lê dương và đến Algeria. Từ năm 1941, ông đến Đông Dương với tư cách tình nguyện quân. Tháng 9/1945, Ernst Frey bị Nhật bắt làm tù binh nhưng chỉ ít lâu sau, ông trốn sang hàng ngũ Việt Minh. Đầu tiên, ông tham gia huấn luyện quân sự, rồi được phong hàm đại tá. Năm 1950, ông rời Việt Nam về Vienna. Năm 1994, ông qua đời.

Khi rời Việt Nam, Ernst Frey đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư với nội dung: “Đồng chí Nguyễn Dân (hay là Ernst Frey) thân mến. Tôi lấy làm tiếc là lúc tạm biệt tôi không bắt tay được với đồng chí. Nhưng dù đồng chí ở đâu đi nữa thì tôi vẫn tin chắc chắn rằng đồng chí sẽ dùng tất cả những gì trong tay mình để phục vụ sự nghiệp chung của chúng ta. Tôi chúc đồng chí lên đường thượng lộ bình an và mạnh khỏe”.

TS Thomas Loidl - Đại sứ Áo tại Việt Nam cho biết: Vài năm trước, khi đi vào hiệu sách ở Vienna ông tình cờ thấy cuốn hồi ký của Ernst Frey được tái bản bằng tiếng Đức. Ông đã mua cuốn sách, mang về đọc và khám phá ra rằng câu chuyện của Ernst Frey vô cùng hấp dẫn, khác lạ và ý nghĩa. Tháng 8/2013, ông bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ Áo tại Hà Nội, TS Thomas Loidl cho rằng đây là một cơ hội tốt để có thể hỗ trợ việc dịch cuốn hồi ký sang tiếng Việt, giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.

Đại sứ Thomas Loidl xúc động nói: “Tôi nghĩ rằng không có một người Áo nào được sinh ra trong thế kỷ XX lại có cuộc đời và số phận gắn bó với đất nước Việt Nam như Ernst Frey. Vì lý do chính trị Ernst Frey phải rời bỏ Vienna, quê hương của mình vào năm 1938 để bắt đầu một chuyến phiêu lưu qua nhiều nơi và đến Việt Nam, nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh chống thực dân. Tại đây ông đã gia nhập đội ngũ Việt Minh và đã tìm thấy quê hương thứ hai của mình. Ông cũng đã góp phần không nhỏ vào trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là một câu chuyện trải nghiệm rất thú vị, một câu chuyện phản ánh quãng thời gian lịch sử đầu thế kỷ XX của cả Việt Nam và Áo…”.

Qua cuốn sách, Ernst Frey kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt một thời gian dài từ đầu những năm 1930 cho đến cuối năm 1950, quãng thời gian 13 năm lưu lạc. Đó là một quá trình chuyển biến nhận thức từ một cậu bé hồn nhiên, vô tư cho đến lúc đã trở thành đảng viên Cộng sản khi còn khá trẻ, rồi trở thành một người đàn ông trưởng thành ở tuổi 37.

Trong cuốn sách, Ernst Frey không hề giấu giếm những ưu, khuyết điểm của bản thân, cũng bộc lộ tình cảm và suy nghĩ cá nhân mình đối với một số vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta và nhiều vấn đề trọng đại của nước Việt Nam trong những ngày nước sôi lửa bỏng sau Cách mạng tháng Tám hay trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Chia sẻ cảm nghĩ riêng về tác phẩm, hai dịch giả Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh đều đồng ý rằng sức cuốn hút của câu chuyện mang tính lịch sử này nằm ở tính thành thực, không giấu giếm của nó. Là một câu chuyện về chiến tranh và chính trị nhưng những chi tiết kể về những trải nghiệm của người chiến sĩ Ernst Frey không hề đao to búa lớn mà trái lại rất bình dị, đời thường. Ví dụ, trong cuốn sách có đoạn kể về một lần trong một trận chiến, Ernst Frey, lúc đó đã là đại tá chỉ huy nhiều sĩ quan chuyên nghiệp, ném năm quả lựu đạn nhưng đều không nổ. Sau trận đánh đó, ông tự nhận ra rằng mình đã quên rút chốt các quả lựu đạn do tâm lý lúc đó quá hoảng sợ. Tính thành thực này của Ernst Frey khiến cuốn sách dễ đồng cảm hơn.



'… Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí, và sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mình mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình'.

(Ernst Frey, thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 1992)






T.H

Theo cinet.vn