“Lời thề”- Tác phẩm khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.





(Cinet)- Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt cuốn sách mới “Lời thề”. Đây là tiểu thuyết văn học đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Tác phẩm bao gồm 34 chương, với độ dày 500 trang do nhà văn Nguyễn Quang Vinh sáng tác.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết như: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông (kịch bản phim), Lập nghiệp, Cô gái mang tên dòng sông, Trở về (phim truyền hình nhiều tập), Nữ cảnh sát SBC, Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, Sau cơn giông, Sáng trong như ngọc một con người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản hùng ca Điện Biên, Quyền lực tình yêu, Lũ quét, Âm binh... (kịch bản sân khấu).

Nhà văn cho biết: Tôi mất 3 năm để hoàn thiện cuốn sách này. Tôi thích biển vì nó có yếu tố lãng mạn bên cạnh sự chới với, khốc liệt của các trận đấu trên biển. Khoảng thời gian làm lính hải quân cũng khiến tôi cảm nhận được nỗi cô đơn “kinh khủng” của những người lính đảo. Cảm xúc cộng với vốn sống và sự thích thú của bản thân thúc đẩy tôi khai thác một đề tài văn học mà chưa nhà văn nào làm, hoặc làm mới lại những đề tài cũ nhưng ở góc nhìn khác.

Được khởi nguồn từ lời trích: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội' (Sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa), “Lời thề” lần theo dấu chân những người Việt đầu tiên đặt chân đến quần đảo cát vàng - nơi mà hậu thế đặt tên là Hoàng Sa. Nói khác đi, đó là câu chuyện về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo Hoàng Sa.






Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.





Câu chuyện bắt đầu từ việc Hoàng đế nhận được thông tin về một đảo vàng trên biển, nên đã cử đội thủy binh do Đô tướng Lý Nhất dẫn đầu cùng 200 thủy binh ra đó. Với sự chỉ huy của Đô tướng Lý Nhất, họ gây dựng cột mốc chủ quyền tại quần đảo.

Họ đã thực hiện những cuộc hành trình, đi để phát hiện, đặt tên và đưa hình hài quần đảo cát vàng vào dáng hình Tổ quốc. Những cái tên như: đảo Ốc, đảo San Hô, đảo Đá Hút, đảo Chim Yến, đảo Vú Mẹ… được đặt sau những cuộc chiến giữ đất.

Ngoài ra, trong tác phẩm, nhà văn cũng miêu tả tình yêu đẹp của Đô tướng Lý Nhất với Lý Thắm, một trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo. Đặt trên mối tình đó là lòng yêu nước, lòng yêu chủ quyền.

Thông qua tư tưởng của Đô tướng Lý Nhất, nhà văn đưa ra phương thức giữ chủ quyền một cách hòa bình, nhân văn - đó là sinh con đẻ cái, an cư trên đảo. Ở những trang cuối của “Lời thề”, chỉ còn lại 2 người là Lý Thắm và Đô tướng Lý Nhất. Nhân vật Lý Thắm hạ sinh một bé trai, đó là hình ảnh về thế hệ tương lai tiếp nối trách nhiệm của những thế hệ đi trước.

Trách nhiệm đó vẫn kéo dài tới tận bây giờ, và còn mang tính lâu dài, muôn thuở. Từ đó, nhà văn Nguyễn Quang Vinh muốn độc giả hiểu rằng, để giữ vững chủ quyền biển đảo, chúng ta không đơn thuần chỉ chiến đấu bằng vũ lực mà quan trọng là phải chiến đấu được bằng trí tuệ, bằng cả tình yêu, sự bao dung của bản thân và lòng quyết tâm gìn giữ biển đảo.

Có thể nói, trong “Lời thề”, Tổ quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong những đôi mắt người Việt đang bám bên nhau, trụ bên nhau, người trong tay người, người trong cát đảo, đảo và người trong nhau thành một khối, tất cả đều đang nhuốm hồng trong ráng chiều, cảm tưởng như các đảo đều là những quả cầu đỏ. “Tổ quốc là mảnh ván khắc hai chữ Đại Việt cắm sâu vào tim các đảo. Ánh nắng chiều hắt bóng cột mốc giới, đổ bóng dài vắt ngang trên đảo. Bóng dài cột mốc im lìm hằn trên đảo, trong mắt nhìn; hằn vào trái tim của anh em một lời thề - lời thề không âm thanh, lời thề sâu thẳm, lời thề nặng trĩu, truyền đời này sang đời khác trong máu, trong khí huyết, trong hơi thở…”.

T.H

Theo cinet.vn