Nhà Văn Trang Thế Hy



(Cinet) – Buổi tọa đàm về Nhà văn Trang Thế Hy - Người hiền của văn học Nam bộ đã được Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12 tháng 11 vừa qua.

Buổi tọa đàm với sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà thơ,đạo diễn và các nhà quản lý văn hóa cho thấy sự kính trọng của những người hoạt động trong nghề đối với nhà văn Trang Thế Hy. Sự nghiệp văn chương của ông tuy không dày về số lượng tác phẩm nhưng lại “dày” về chất lượng tác phẩm. Đã có những ý kiến cho rằng, nhà văn thì phải viết và viết, viết như Trang Thế Hy thì quá ít. Lý giải điều này, nhà phê bình văn học - GS Huỳnh Như Phương, cho rằng: Trang Thế Hy cẩn trọng trong cách hành văn, ông rất kỹ để làm nên chất văn trong tác phẩm. Có thể vì quá kỹ nên tác phẩm của Trang Thế Hy không nhiều như các nhà văn khác.

Chính ông cũng đã tự bạch trong lời tựa cuốn “Vết thương thứ 13” xuất bản năm 2011: “Tuổi đời và tuổi nghề khá cao nhưng số lượng tác phẩm lại quá mỏng: chưa đầy hai mươi bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết…”. Mặc dù không nhiều tác phẩm nhưng hầu hết các tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc và được công chúng yêu mến gọi là Người hiền của văn học Nam bộ.

Một điều nữa vô cùng đặc biệt về nhà văn Trang Thế Hy đó là cách sống của ông. Là người có những thành tựu văn học nhất định, được giới chuyên môn đánh giá cao, song ông lại chọn cách sống ẩn dật, tránh xa chốn phồn hoa. Câu nói nổi tiếng của ông “đi chỗ khác chơi” cho đến nay vẫn khiến nhiều người lưu luyến, tiếc nuối.

Đạo diễn Lê Văn Duy đã kể câu chuyện về nhà văn Trang Thế Hy tại buổi tọa đàm: “Khi tôi làm giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có kêu đồng nghiệp làm phim tài liệu chân dung Trang Thế Hy nhưng ông từ chối vì không muốn xuất hiện. Tôi đành dùng kế, là rủ anh trai tôi - nhà văn Lê Văn Thảo và NSND Phạm Khắc đến Bến Tre thăm ông. Có anh Lê Văn Thảo và Phạm Khắc đi cùng nên ông không thể từ chối việc tôi ghi hình. Sau này, Trang Thế Hy có xin tôi cuốn phim về mình. Lý do ông xin cuốn phim là vì trong phim có hình người vợ của ông đã qua đời.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi của nhà văn Trang Thế Hy hồi tháng 10 vừa qua, Nhà xuất bản trẻ đã cho tái bản bốn cuốn sách của ông gồm: ba tập truyện ngắn Tiếng hát và tiếng khóc, Nợ nước mắt, Mưa ấm và tập thơ Đắng và ngọt.



Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh. Ông sinh năm 1924 tại Hữu Định, Châu Thành tỉnh Bến Tre. Đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954, ông ở lại Nam bộ hoạt động văn hóa. Ông sử dụng nhiều bút danh như: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm

Năm 1962, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam sau đó thoát ly vào vùng kháng chiến. Do nhiều biến động cuộc đời nên một số tác phẩm của ông đã bị mất. Một số tác phẩm tiêu biểu đã được xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại ( 1964); Mưa ấm (1981); Người yêu và mùa thu (1981); Vết thương thứ mười ba (1989); Tiếng khóc và tiếng hát (1993); Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001).





NLH



Theo cinet.vn

View more random threads: