(Cinet)- Nhu cầu về một nền “văn hoá đọc” lành mạnh, mang tính giáo dục cao là hết sức thiết yếu đối với các em ngay từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thập kỷ qua thị trường truyện tranh Việt Nam dường như còn bỏ ngỏ…

Sân chơi còn bỏ ngỏ?

Ưu điểm lớn nhất của truyện tranh là có một phương thức truyền cảm độc đáo, là sự kết hợp hài hoà giữa ngôn từ và hình vẽ. Vì thế, truyện tranh luôn được các độc giả nhí yêu thích và bao giờ nó cũng bán chạy hơn so với nhiều thể loại khác. Có lẽ do mải mê chạy theo thị hiếu, không ít các nhà NXB đã sẵn sàng tung ra hàng loạt những tác phẩm được biên tập, biên dịch quá dễ dãi. Nội dung chỉ xoay quanh những câu chuyện tình cảm, yêu đương loạn xạ của những cô cậu mới lớn hoặc mang nặng tính bạo lực, đánh đấm.

Các tựa sách được yêu thích như “Con nhà giàu”, “Lần đầu trải nghiệm”, “Ichigo - Kỷ niệm xanh”, “Nụ hôn đầu”, “Con mèo trên gác xép”, “Hoa hồng xứ khác”, “Cô bạn hàng xóm”... có nhiều hình ảnh phụ nữ mặc đồ lót, cảnh các đôi nam nữ mặc đồng phục học sinh ôm hôn nhau. Viết về truyện “Shin - Cậu bé bút chì”, nhiều ý kiến nhận xét: “Nội dung nhảm nhí cùng với những hình ảnh khêu gợi, ngôn từ nghèo nàn… nội dung lại đề cập rất nhiều yếu tố và hình ảnh nhạy cảm, hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi các bé thiếu nhi”.









Những bộ truyện cổ tích đã trở nên quá quen thuộc.



Song, cũng không thể phủ nhận một điều là truyện tranh Việt Nam chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được các em cũng bởi sự đơn điệu, nhàm chán. Quanh đi quẩn lại, chúng ta chỉ nhìn thấy vài ba bộ truyện cổ tích quen thuộc như “Tấm Cám”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Là cờ thêu sáu chữ vàng”, “Cây tre trăm đốt”, “Sọ Dừa”...

Rõ ràng thị phần truyện tranh Việt Nam vẫn còn quá nghèo nàn về đề tài, thể loại và tranh vẽ kém sống động, sắc sảo. Đó cũng là lý do chủ yếu khiến truyện tranh Việt Nam kém hấp dẫn, bỏ ngỏ một sân chơi lớn cho truyện tranh nước ngoài tha hồ “làm mưa làm gió”.

Truyện tranh Việt Nam có làm nên chuyện?

Vài năm trở lại đây đánh dấu bước đột phá của truyện tranh Việt khi có được những bộ truyện gây sốt sau hàng thập kỷ “im lặng, chậm rãi, đều đều”. Độc giả Việt Nam đã quá quen thuộc với những cái tên: “Thần đồng đất Việt”, “Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa”, “Học sinh chân kinh”… hay như mới đây là “Học viện bóng đá”, “Long Thần Tướng”, “Chuyện tào lao”…

Sở dĩ những bộ truyện tranh nói trên khiến nhiều người yêu thích là vì đã tạo được nét riêng trong từng khung hình, có cốt truyện hay, tâm lý nhân vật cuốn hút. Điển hình như bộ “Thần đồng đất Việt” của công ty Truyền thông Giáo dục và giải trí Phan Thị, mỗi tập truyện đều có lượng xuất bản là 30 ngàn cuốn và 80% số truyện được tiêu thụ ngay sau khi ra thị trường. Một bộ truyện khác được khá nhiều bạn trẻ đón đọc là “Học sinh chân kinh” cũng bán được gần 9 ngàn cuốn cho mỗi tập phát hành. Theo sát thị hiếu giới trẻ và không ngại đổi mới, truyện tranh Việt đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.












Vài năm trở lại đây đánh dấu bước đột phá của truyện tranh Việt.



Cuối năm 2014, tập 5 của bộ truyện “Học viện bóng đá” đã ra mắt bạn đọc với sự đón nhận chưa từng giảm nhiệt. Có thể nói, đây là bộ truyện tranh đã tạo được tiếng vang lớn sau hàng thập kỷ truyện tranh Việt khá im hơi lặng tiếng.

“Được nhen nhóm từ những ngọn lửa đam mê truyện tranh, chọn đúng đề tài được quan tâm, ra mắt đúng thời điểm nên Học viện bóng đá đã tạo được hiệu ứng tích cực. Tôi nghĩ đây sẽ là nguồn động lực lớn cho những bạn trẻ từng yêu nhưng cũng từng từ bỏ sáng tác truyện tranh có thêm niềm tin, cảm hứng quay trở lại với nghề” - trưởng nhóm Long Huỳnh cho biết.

Bộ truyện “Long Thần Tướng” (họa sĩ Nguyễn Thành Phong) đã lập nên kỳ tích truyện tranh xuất bản từ vốn hỗ trợ cộng đồng. “Long Thần Tướng” có tồn tại được lâu dài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độc giả. Sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng đã chứng tỏ độc giả có niềm tin rất lớn vào những người sáng tạo trẻ cũng như kỳ vọng truyện tranh có được những tác phẩm thuần Việt hấp dẫn đúng nghĩa.

Phát triển truyện tranh Việt đang có tín hiệu khả quan, nhưng theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị thì truyện tranh Việt vẫn cần phải có thêm thời gian để hoàn thiện mình. Muốn làm tốt hơn, trước hết phải thay đổi tư duy trong cách đào tạo đội ngũ họa sĩ trẻ. Rồi khi đã có tranh đẹp và đảm bảo tính động, truyền tải được cảm xúc nhân vật, thì những người làm nội dung phải lồng được vào đó những kịch bản hay, mang đậm văn hóa Việt. Tạo phong cách riêng là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta phải biết học tập có chọn lọc những cái hay của truyện tranh nước ngoài. “Truyện tranh dù là phương Tây hay Nhật Bản cũng có những tác phẩm mang đến những bài học sâu sắc. Đó là cái mà chúng ta cần phải học tập. Truyện tranh trong nước phải đáp ứng được những nhu cầu và những thước đo, phải có lồng những bài học, những giá trị sống thì nó mới có thể tồn tại” - bà Hạnh chia sẻ.

Hy vọng, với đà phát triển như hiện nay, trong tương lai không xa, truyện tranh Việt sẽ “làm nên chuyện”.

T.H





Theo cinet.vn