[IMG]/userfiles/images/1(1).jpg[/IMG]


Ảnh minh họa (nguồn: internet)



(Cinet)- Trong những ngày đầu Xuân Ất Mùi, ba sự kiện văn học có quy mô mang tầm quốc tế do hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút đông đảo các nhà văn quốc tế, đến từ 43 nước và vùng lãnh thổ, cùng làm nên 'Liên hoan văn chương' với 3 hoạt động chính: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13. Đây là một trong những bước đệm vững chắc giúp quảng bá, chắp cánh cho văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Khác với những lần tổ chức trước, các sự kiện lần này có nhiều đổi mới trong hình thức và nội dung. Với sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế nổi tiếng trong nền văn học thế giới như: Phéc-nan-đô Ran-đơn, Tổng thư ký Liên đoàn thơ thế giới; Mô-ha-mét San-ma-uy, Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi;... điều này đã phần nào chứng tỏ sức thu hút của đất nước và văn học Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tại đây, các đại biểu trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều vấn đề, khía cạnh mà văn học đang gặp phải để phân tích. Có nhiều ý kiến và phản biện đa chiều, tuy nhiên tất cả đều có chung một quan điểm thống nhất rằng văn học hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào, trước hết và trên hết phải vì con người, phải làm thức tỉnh lương tri nhân loại, kết nối các dân tộc vì một thế giới hòa bình, hòa giải và hợp tác.

Nhiều rào cản trước mắt

Những năm trở lại đây, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách giúp Việt Nam tăng cường hội nhập và giao lưu với nền văn hóa thế giới nói chung và nền văn học nói riêng. Đặc biệt, việc dịch, truyền bá văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo của văn hóa trong nước. Một số tác phẩm của Việt Nam được dịch và giới thiệu ở nước ngoài để lại những ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc. Tiêu biểu ở Mỹ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam như các tuyển tập, chuyên đề,…đã được giới thiệu. Hay như ở Hàn Quốc bắt đầu có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trong đó có thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù và thơ Hồ Xuân Hương.






Tác phẩm 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' đến với bạn bè quốc tế





Tuy nhiên, trên thực tế việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài vẫn còn hạn chế. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, hiện tại Việt Nam đang nhập siêu văn học, số tác phẩm nước ngoài dịch về quá nhiều trong khi số tác phẩm bản địa đưa ra thế giới quá ít. Nền văn học Việt Nam không phải là một nền văn học được các NXB trên thế giới săn tìm. Vì thế, Việt Nam phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giới thiệu những tác phẩm văn học xuất sắc của mình ra thế giới, phải cử các nhà văn Việt Nam sang các nước để giao lưu, giới thiệu và quảng bá tác phẩm. Một ví dụ cụ thể với văn học Nga, cho tới nay đã có tới hơn 500 đầu sách của Liên Xô và Nga được dịch, phổ biến ở Việt Nam. Trong khi đó, mới chỉ có 6 cuốn sách của Việt Nam được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga, trong đó có cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng, 2 tập thơ và tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm là đã xuất bản.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết việc quảng bá văn học cần hình thành một cơ quan chuyên môn và một cơ chế vận hành hữu hiệu. Bởi thế Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch Văn học. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần đầu tư, tạo điều kiện, tìm kiếm mọi cơ hội để cơ quan này hoạt động thực sự chuyên nghiệp.

Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ tác phẩm văn hóa nước ngoài rất lớn. Trong khi đó, không ít các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam lại chỉ nằm im tại chỗ. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa chủ động, tích cực trong công tác quảng bá. Còn ở trong nước, dù đã có một trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động. Do đó, công tác dịch thuật cũng chỉ cầm chừng, thiếu dịch giả giỏi, vì chưa có chính sách nào chăm lo đến đội ngũ này.

Thay cho lời kết…

Với nhiều rào cản trước mắt, điều trước tiên văn học Việt Nam cần làm là phải hiểu rõ thị trường bên ngoài đang cần gì và khả năng đáp ứng văn học Việt Nam đến đâu. Ðừng quá lo lắng với vấn đề “nhập siêu” trong khi chúng ta còn chưa tìm hiểu rõ về vấn đề dịch thuật cũng như xu hướng nghệ thuật văn chương của bên ngoài. Cũng đừng nao núng phải tiến tới “xuất siêu” ngay, khi mà ngay cả cái việc nội tại là biết mình có gì bán được cho độc giả bên ngoài vẫn còn chưa thật sáng rõ và thuyết phục.

Hy vọng rằng, bằng những nỗ lực cải thiện bản thân cùng đội ngũ văn nghệ sỹ có tâm huyết và yêu nghề, nền văn học Việt Nam sẽ có những bước tiến lớn trên tiến trình hội nhập quốc tế trong những năm sắp tới.

CN



Theo cinet.vn

View more random threads: