Khách nước ngoài thích thú với món ăn Việt Nam



(Cinet)- Một đầu bếp lão luyện mang về cúp vàng sau cuộc thi ẩm thực quốc tế Bắc Kinh, một cô gái khiếm thị đăng quang cuộc thi nấu ăn danh tiếng nhất nước Mỹ MasterChef, những chủ nhà hàng món ăn Việt ghi dấu ấn tượng tại nhiều quốc gia… Họ buộc thế giới phải xướng danh ẩm thực Việt Nam.

Những “đại sứ” ẩm thực

Năm 2012, cô gái người Mỹ gốc Việt khiếm thi Christine Hà đã làm điều mà bao người khao khát, là vượt qua 30.000 người sáng mắt, đưa ẩm thực Việt đến bạn bè thế giới, sau khi đăng quang MasterChef (Vua đầu bếp). Với những người bình thường, cô đã truyền cho họ cảm hứng mạnh mẽ để tiếp tục đam mê nấu nướng, còn với những người khiêm thị, cô là một giấc mơ…

Có ý kiến cho rằng, đó là do người chấm “thiên vị” với cô và thích thú với món ăn khác lạ so với vị của món Âu hoặc món Mỹ, nhưng chính vị giám khảo khó tính Jone Bastianick đã phải thừa nhận sức hấp dẫn từ sự “ mộc mạc, đậm đà thấm thía” của món ăn Việt, cũng chính ông đã phải rơi lệ khi chứng kiến Hà “ trình bày món ăn với ánh mắt đầy hạnh phúc, tự hào, đam mê”.

Mặc dù sống từ nhỏ trên đất Mỹ, nhưng những gia vị cũng như cách nấu các món Việt Nam luôn là lựa chọn của cô. Bởi hương vị châu Á có nhiều nét độc đáo và thú vị, nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, giá thành hợp lý, tươi ngon lại tốt cho sức khỏe và thậm chí những món ăn cũng có vị thuốc trong đó, đây là điều mà mọi nền ẩm thực đều hướng đến.









Christine Hà- Vua đầu bếp MasterChef Mỹ 2012 khát khao đưa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế





Cô chia sẻ: Nấu các món ăn Việt Nam chính là học cách làm thế nào để cân bằng giữa các mùi vị như chua, cay, mặn, ngọt. Có những món không thể ăn riêng được, như mắm tôm, nhưng khi phối hợp với các gia vị khác lại tạo thành món ăn rất hấp dẫn.

“Tôi đi rất nhiều nước và ở bất cứ đâu, tôi đều chú ý tìm các món ăn Việt Nam. Ở hầu hết các nước tôi qua như Pháp, Thụy Sĩ hay Canada, món ăn Việt Nam đều khá phổ biến. Khi xem tôi nấu ăn, họ cũng rất thích thú với các kỹ thuật này và cũng thử làm theo. Nhiều người muốn làm quen với ẩm thực Việt Nam cũng như cách họ đã thử ăn “nước mắm” vậy”.

Cũng nổi danh từ sau cuộc thi ẩm thực quốc tế Bắc Kinh, người sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại nhiều nước trên thế giới, nơi thường lui tới của các ngôi sao Hollywood và cả những tỷ phú nhưng Dương Huy Khải lại luôn muốn hướng về quê hương với những món ăn Việt dân giã.






Với Dương Huy Khải- điều làm anh hạnh phúc nhất là được góp phần giới thiệu cho thế giới biết ẩm thực chính là “ độc chiêu” của Việt Nam.





Anh chia sẻ mình đã học được rất nhiều khi tìm về lại với ẩm thực của cội nguồn quê hương, rằng anh quá may mắn khi sinh ra ở một đất nước mà theo nhận định của anh, ẩm thực đứng hàng chí ít là trong top 5 thế giới.

Anh đã đặt chân khắp các vùng miền quê hương, từ bắc chí nam để tìm hiểu về ẩm thực Việt và sưu tầm những vật liệu, món ăn mới. Trở về quê hương, anh từng khoe đã “trúng số”... hơi bị nhiều, nào là học được món bún tôm ở tận Châu Trúc, nào là tự làm được mắm ruột miền Trung của thời ấu thơ, nào là sáng tạo ra món cơm tấm cá cờ... Món nào anh cũng thổi vào những biến tấu rất riêng để người ăn phải nhớ mãi, sáng tạo tài tình. Anh chia sẻ vẫn không quên cảm giác sướng ran khi bắt gặp rất nhiều xương rồng trên đường ngao du Việt Nam, từ đó “sinh” ra món gỏi xương rồng, bánh xương rồng, kem xương rồng...






Anh chia sẻ mình đã học được rất nhiều khi tìm về lại với ẩm thực của cội nguồn quê hương





Hy vọng mình sẽ góp phần nâng tầm văn hoá ẩm thực Việt vốn đặc sắc, đa dạng và phong phú cho thế giới biết đến, anh chia sẻ: “Tôi muốn cho người nước ngoài thấy ẩm thực Việt Nam là cao cấp, xoá tan hình ảnh Việt Nam chỉ có chiến tranh, lũ lụt, nghèo nàn trong mắt người nước ngoài”. Điều làm anh hạnh phúc nhất là được góp phần giới thiệu cho thế giới biết ẩm thực chính là “ độc chiêu” của Việt Nam.

Bên cạnh những tên tuổi nổi danh trong làng ẩm thực Việt Nam và thế giới, còn rất nhiều những đầu bếp Việt, trên nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể sở hữu một nhà hàng danh tiếng, cũng có người tài sản chỉ là một quán nhỏ, nhưng hàng ngày hàng giờ, họ vẫn làm công việc của một “ đại sứ” với sứ mệnh đưa ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế.

“Đó là cách ăn của người Việt”

Trên hành trình đưa ẩm thực Việt vươn ra thế giới, cũng giống như văn hóa, bài toán hòa nhập và nỗi lo “hòa tan” vẫn là trăn trở của nhiều người.

Chắc hẳn nhiều người Việt Nam còn nhớ câu trả lời của cô gái khiếm thị người Việt Christine Hà ngay tại tập 1 cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ, khi cô trình diễn trước hàng triệu người xem truyền hình món Cá trê kho tộ.

Người phương Tây thường rất dị ứng với xương, hầu hết những món ăn của họ, nhất là cá, đều phải rút hết xương, chỉ lấy riêng phần thịt phi lê. Vậy mà Hà vẫn “bê” nguyên món cá dân giã của Việt Nam với từng khoanh còn nguyên xương lên cho giám khảo và trả lời dứt khoát với họ: “ Tôi thấy để cả xương hay hơn, tôi không muốn nó rời ra và vì đó là… cách ăn của người Việt”.

“Cách ăn của người Việt”, sâu sa hơn, đó chính là phong cách riêng, là phong tục, là văn hóa ẩm thực của người Việt. Gia vị và cách thêm nếm chế biên có thể tùy khẩu vị mỗi quốc gia mà thay đổi cho phù hợp, nhưng những gì là tinh túy, thể hiện nét dân giã, mộc mạc của món ăn Việt, thì cần được trân trọng và giữ lại…

Không giống với những món ăn phương Tây, ẩm thực Châu Á, nhất là ẩm thực Việt Nam, món ăn muốn ngon, thì phải có cái “tình” của người nấu trong đó. “Hãy nấu như nấu cho người mình yêu thương nhất” Đó là cũng là bí quyết giúp cô gái khiếm thị vượt qua 30.000 người sáng mắt để đăng quang MasterChef.






Cách ăn của người Việt thể hiện phong tục, văn hóa ẩm thực Việt Nam





Cô từng chân thật chia sẻ: Tôi rất thích giới thiệu món Phở. Đó không chỉ là món ăn mang đặc trưng Việt Nam mà trong món ăn đó còn có hình ảnh mẹ tôi. Tôi ăn những thức ăn này để lớn lên. Đó là những món giúp tôi trưởng thành. Vậy nên tôi rất yêu thích, nó thể hiện bản thân tôi.

Ấy là suy nghĩ của một người đầu bếp Việt Nam, sống trong môi trường giàu tình người nên món ăn cũng đậm đà văn hóa ẩm thực Việt: Luôn ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ 'kính trên nhường dưới', thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là cơ hội xum họp gia đình, mọi người quây quần bên nhau vui vầy sau một ngày làm việc.

Nếp ăn của người Việt Nam rất thanh lịch, bên cạnh mâm cơm ngon còn là cả những câu chuyện gắn bó với mảnh đất, con người, là cách thưởng thức, là không gian trữ tình và đặc biệt có bạn hiền.

Việc đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới đã khó, việc giữ lại cái hồn, bản sắc Việt dung dị mà độc đáo trong mỗi món ăn còn khó hơn. Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống.

Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần, phong phú đa dạng và rất giàu tình người.



Ẩm thực thế giới đang quay về các giá trị Châu Á. Điều này đã bắt nguồn nhiều năm nay từ New York - nơi có cộng đồng người châu Á rất lớn. Sau đó nó lan sang châu Âu. Bạn sẽ thấy ẩm thực châu Á ngày một phát triển, ngày một sáng tạo hơn. Nó xóa nhòa khoảng cách, để lên tiếng tại các nhà hàng lớn trên thế giới. Âm thực Việt Nam đang có cơ hội rất lớn…

(Bà Mika Sharon- Đại sứ ẩm thực Bộ Ngoại giao Israel).





TD

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]

Theo cinet.vn