(Cinet)- Ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa Hà thành.

Hà Nội 36 phố phường với những mái ngói xô nghiêng, với những gánh hàng rong bạc màu rêu phong của phố cũ. Theo thời gian, Hà Nội đã thay cho mình một màu áo mới. Những bức tường rêu phong nơi phố cổ không còn như xưa. Thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, là những khu trung tâm thương mại rộng lớn.

Người ta chỉ còn nhìn thấy một Hà Nội xa xưa trong đáy hồ Gươm, hồ Tây và những gánh hàng rong. Người Hà Nội như nhìn thấy chính họ ở một thời đã qua. Hà Nội có thể già đi. Nhưng những gánh hàng rong chẳng bao giờ cũ.

Khi mọi người còn đang yên giấc, đâu đấy đã nghe thấy những tiếng rao, nhiều người đã thành thói quen cứ nghe thấy những âm thanh đó là biết giờ dậy chuẩn bị một ngày mới. Rồi tiếng rao khản đặc cất lên nặng nề, dấu hiệu của sự mệt mỏi sau một ngày bôn ba trên khắp mọi nẻo đường là khi đồng hồ đã chỉ 11 giờ đêm.

Nhiều người cho rằng, ở một khía cạnh nào đấy, những tiếng rao, những gánh hàng rong là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Không cần bước chân xuống đường, những người dân đô thị vẫn mua sắm được đủ thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt của gia đình từ những gánh hàng rong. Với đôi quang gánh trên vai, những người bán rong lang thang trên các đường phố rao bán đủ các loại hàng mà người mua cần đến. Hầu hết người bán hàng đều là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội. Việc ruộng đồng không đủ, vào những ngày nông nhàn họ rủ nhau ra thành phố kiếm sống bằng những gánh hàng rong.

Hàng ngày, cứ sáng sớm khi trời còn tờ mờ chưa tỏ bóng người, họ đã phải thức dậy lấy hàng rồi toả đi các ngả. Với số tiền ít ỏi kiếm được từ những gánh hàng rong mỗi ngày, những người phụ nữ ấy đã gánh trên vai cả gánh nặng cuộc đời, gánh thêm cả tương lai của những đứa con trai, con gái và cả một chút gì văn hóa đất kinh kỳ.









Những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội thời Pháp thuộc.





Thật thú vị biết bao, giữa trưa hè oi bức, được ăn bát tào phớ màu trắng ngà, mát lạnh, sóng sánh nước đường mà người bán khéo léo múc trong chiếc thùng gỗ nhỏ, mỗi bát chỉ vài lượt óc đậu mỏng tang. Hay giữa tiết thu hanh hao nắng và se se lạnh, được ngồi nhón từng nhúm cốm vòng xanh mướt thơm mùi hương lúa mới trong mảnh lá sen già mua của cô hàng cốm, bỏ vào miệng như thấy cả hương trời đất lan tỏa qua những hạt cốm dẹt, deo dẻo, mỏng manh. Rồi những tối mùa đông giá rét, ngồi quanh gánh hàng ngô nướng, khoai nướng trên vỉa hè mà hít hà, mà xuýt xoa trên tay bắp ngô non vừa nướng trên lò than hoa đỏ rực mà thấy ấm lòng, quên đi cái rét căm căm thổi đến từ phương Bắc.

Cứ để ý sẽ thấy, hàng rong Hà Nội đẹp theo mùa. Khi những ngày hạ đã vắt sang thu cho đến tận chớm đông, nhiều người thích ngắm những gánh hàng hoa, trên ấy bồng bềnh những đóa sen đỏ cuối mùa, nhưng đài sen xanh như níu kéo ánh mặt trời gay gắt, những đóa cúc vàng hơn màu nắng. Thu vào sâu hơn nữa, người Hà Nội sẽ được ngắm phố với màu xanh của hàng cốm, màu hồng của hồng…









Hà Nội có thể già đi, nhưng những gánh hàng rong chẳng bao giờ cũ.





Theo thời gian, Hà Nội chuyển mình thay áo mới, những phố vắng khi xưa giờ chen chúc xe và người. Khi những nhà hàng, những quán ăn sang trọng, những quán cà phê và đủ mọi thứ đèn mọc lên như nấm giữa cái thành phố nhộn nhịp này, những gánh hàng rong như sợi xích của thời gian lưu giữ lại những nếp văn hóa thắm đượm cái tình, cái hồn của người Việt.

Và chắc chắn, trong ký ức, trong tâm hồn những đứa con Hà Nội, hình ảnh gánh hàng rong và những tiếng rao khuya đã in dấu rất sâu, đã cũ kỹ và êm đềm, như khúc nhạc đằm sâu trong bản tình ca xưa, ngàn năm vẫn còn da diết… Nên có người đi xa, nửa đêm thao thức nhớ tiếng “Khúc ơ….” tuổi thơ mà ứa cả nước mắt trong giấc mơ khắc khoải vọng quê hương. Có người đi xa, một ngày kia quay trở về thành phố, gặp gánh hàng hoa buổi sớm như gặp lại cố nhân, mà cứ thế trong lòng rưng rưng mãi…

T.H

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]

Theo cinet.vn