(Cinet)- Bình Định luôn gợi trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam ấn tượng sâu sắc về một vùng đất giàu truyền thống thượng võ, với hồn thiêng sông núi đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất, làm nên bao sự tích oanh liệt, góp phần tô thắm vào trang sử vàng của dân tộc.

Tây Sơn - cái nôi võ thuật

Như ta đã biết, Tây Sơn là một huyện của Bình Định. Đặc điểm địa lý của huyện Tây Sơn hàm chứa yếu tố đắc địa của một cái nôi võ thuật: Đồi núi phía tây là sự tiếp dẫn sơn mạch của Trường Sơn trập trùng tráng khí, với những ngọn núi thiêng đã đi vào các thư tịch cổ như ngọn Hánh Hót, ngọn Trưng Sơn (hòn Sung), ngọn Hoành Sơn (có núi Ấn và núi Kiếm), núi Ông Nhạc, núi Ông Bình, núi ông Dũng, hòn Lĩnh lương. Những truông, hang, gò nổng gắn liền với việc luyện quân: gò Tập binh, gò Cấm cố, bãi Tập voi, căn cứ Hầm Hô, mật khu Linh Đỗng... Dòng sông Kôn với những bến sông thịnh đạt về đường mua bán, đồng thời cũng là chốn gặp gỡ đi về của anh hùng hào kiệt: bến Trường Trầu, quán Chiêu Anh gắn liền với bước khởi nghiệp của Nguyễn Nhạc... Những làng xã âm vang như Kiên Mỹ, Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền, Thuận Nhứt,... Ấy là nơi cúi đầu nghe sông hát, ngẩng đầu nghe núi reo, nhắm mắt nghe roi quyền xé gió. Ấy là Tây Sơn, tiêu điểm của đất võ Bình Định.








Tây Sơn - Bình Định là một trong những 'cái nôi' của võ thuật cổ truyền Việt Nam.





Huyện Tây Sơn là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, một phong trào được ví là cơn bão táp lịch sử mà tinh hoa của võ thuật Bình Định được phát huy cao độ. Do ảnh hưởng rộng lớn của phong trào, thời kỳ Tây Sơn và hậu Tây Sơn, khái niệm võ Tây Sơn trùng khít với khái niệm võ Bình Định. Hai chữ Tây Sơn đã được sử dụng với hàm nghĩa “nhận diện” một vùng văn hóa rộng hơn rất nhiều so với nghĩa thực.

Võ cổ truyền Bình Định bao gồm cả các dòng võ cổ truyền tại Tây Sơn và các dòng võ của các địa phương khác trên tỉnh Bình Định. Nói như thế không có nghĩa là các dòng võ này phát triển độc lập tuyệt đối với nhau. Các đặc điểm chung như có bài thiệu, nguyên tắc “túc bất ly địa” (chân không rời đất)… nói lên sự thống nhất tương đối của các dòng võ cổ truyền Bình Định ở những nội dung cơ bản. Ngoài ra, giữa các dòng võ ấy vẫn có nhiều điểm khác biệt. Quyền An Thái đường nét sắc sảo, bay bướm, tiến thoái linh hoạt trong khi quyền An Vinh nghiêng về đánh móc, ra đòn hiểm. Giữa côn pháp các dòng võ cũng có sự phân biệt, đặc biệt các phép roi rút, roi cộng lực, roi đổ thủy, roi nghịch là “đặc sản” riêng của roi Thuận Truyền do Đại võ sư Hồ Ngạnh sáng tạo. Suốt quá trình hình thành và phát triển trên cùng một không gian lịch sử - văn hóa, giữa các dòng võ, các làng võ luôn có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Nhờ vậy, mà võ học Bình Định mới trở thành một di sản nhiều tầng lớp, phong phú và uyên diệu.








Những thế võ điêu luyện đã trở thành đặc sản của Bình Định





Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền - Đặc sản đất Bình Định

Từ ý tưởng phải tập hợp các môn võ Việt Nam đang phát triển ở các nước trên thế giới, UBND tỉnh Bình Định thống nhất và năm 2005 đã chính thức đặt vấn đề với UBTDTT Việt Nam tổ chức gặp mặt các CLB, các võ đường võ cổ truyền Việt Nam trên thế giới lại và lấy tên: Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và đề nghị cho phép Bình Định tổ chức 2 năm một lần đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Trung ương và các ngành, các tỉnh trên cả nước và các môn phái võ Việt Nam trên thế giới.

Qua 4 kỳ tổ chức Liên hoan, lần lượt với các chủ đề: Hội tụ và phát triển; Nâng tầm võ Việt; theo bước chân Hoàng đế Quang Trung... và lần thứ V với chủ đề “Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam”. Ngày 27/12/2012 Bộ VHTTDL đã có quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL về công nhận võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.








Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức 2 năm một lần là sự kiện góp phần tôn vinh một nét văn hoá của dân tộc.





Nhìn lại bốn kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Bình Định, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần thứ I (2006) chỉ có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 29 đoàn võ của các tỉnh trong nước thì lần thứ II (2008) có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (với 74 đoàn/26 quốc gia và vùng lãnh thổ) cùng 35 đoàn trong nước. Liên hoan lần thứ III (2010) có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ (với 70 đoàn quốc tế) cùng 35 đoàn trong nước. Kỳ thứ IV (2012) có 69 đoàn của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ và gần 40 đoàn trong nước. Tại kỳ đại hội thứ IV này có 15 đoàn võ đối kháng của các CLB các tỉnh thành phố thi đấu đài tạo thêm không khí sôi nổi và đầy kịch tính, đồng thời cũng tạo thêm sân chơi cho các nước tham gia biểu diễn đêm khai mạc đêm bế mạc và tưng bừng trong đêm lễ hội đường phố.

Diễn ra từ ngày diễn ra từ 01-04/8/2014 tại Thành phố Quy Nhơn, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V có sự tham gia của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy tụ hàng trăm võ sư, võ sĩ, võ sinh khắp các châu lục đến tranh tài và biểu diễn.

Liên hoan gồm các hoạt động chính: Lễ dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời - Đất (tại Tây Sơn); Lễ khai mạc Liên hoan; Cuộc thi Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; Thi đấu võ cổ truyền các CLB trong nước; Lễ hội đường phố; Lễ bế mạc Liên hoan và chung kết cuộc thi chọn Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.














Ngày càng nhiều bạn bè quốc tế đến với Võ cổ truyền Việt Nam.





Bên cạnh đó còn có các chương trình hưởng ứng gồm: Giao lưu tại 6 võ đường và biểu diễn tại 7 địa điểm của 4 huyện, thị xã, thành phố; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Miền trung - Tây Nguyên; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014; Tham quan danh thắng và di tích lịch sử văn hóa; Hội đánh Bài chòi cổ dân gian; Đại hội sáng lập Liên đoàn Quốc tế Võ cổ truyền Việt nam và Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam.

Đặc biệt, chương trình đêm khai mạc năm nay với chủ đề “Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam” có sự khác biệt sâu sắc đó là - đón nhận danh hiệu: “Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Chương trình diễn ra vào 20h00 ngày 01/8, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định.

Với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được lồng ghép tinh tế, Liên hoan là cơ hội để các đoàn võ thuật trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Thông qua các hoạt động tại Liên hoan, Bình Định giới thiệu các danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực và tiềm năng kinh tế của tỉnh nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.

T.H
<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]



Theo cinet.vn