Đèn ông sao truyền thống trong mỗi dịp tết Trung Thu



(Cinet) – Sau một thời gian bị quên lãng bởi sự xuất hiện ồ ạt của đèn lồng Trung Quốc, vài năm gần đây đèn lồng Việt Nam đang dần tìm lại được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng và mẫu mã đa dạng hơn.

Là một Tết truyền thống đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, vì thế mà tết Trung Thu đối với người Việt rất có ý nghĩa. Trung Thu là dịp để cả gia đình quây quần, là dịp để hướng về những giá trị truyền thống của dân tộc, và là dịp để đám trẻ nhỏ chờ đợi, háo hức. Gọi là Tết truyền thống vì vậy Trung Thu có khá nhiều hoạt động dù chẳng ai quy định, cũng không bắt buộc nhưng dường như đã trở thành truyền thống của dân tộc. Ví như Trung Thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo hay vào đêm rằm sau khi thắp hương tổ tiên sẽ bày cỗ để trẻ con phá cỗ; Trung Thu cũng không thể thiếu những đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ và múa sư tử…

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm tháng tám, sau khi cúng tổ tiên, các gia đình người Việt sẽ bày một mâm cỗ ra sân để trẻ con chơi đùa, phá cỗ. Mâm cỗ thường có bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả được bày rất bắt mắt, những con vật được kết từ bưởi và những món đồ chơi truyền thống. Nhiều năm nay, khi cuộc sống thay đổi, không gian sống dần bị thu hẹp, không phải gia đình nào cũng có sân cho trẻ con phá cỗ thì người ta thường tổ chức chung tại các trung tâm, nhà văn hóa tại khu vực. Cũng vì thế mà cứ đến Tết Trung Thu, ngoài phố sẽ bắt gặp rất nhiều những chiếc đèn trung thu nhiều màu sắc được đám con trẻ đẩy qua đẩy lại hay tung tăng trong tay nghịch ngợm.

Hình ảnh chiếc đèn lồng truyền thống cứ như vậy trở thành một hình ảnh không thể thiếu mỗi dịp Trung Thu. Những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ ông địa và mũ sư tử…không những là món quá ý nghĩa của trẻ nhỏ và chúng còn trở thành những kỷ vật gợi nhớ về một tuổi thơ của mỗi người Việt Nam.









Những món đồ chơi truyền thống trong dịp Tết Trung Thu của Việt Nam





Đèn Trung Thu truyền thống của Việt Nam được làm từ tre và giấy kính. Để làm đèn đầu tiên phải lựa chọn những đoạn tre tốt, sau dó chẻ, vót cắt nan rồi uốn thật đều tay để tạo thành khung. Tiếp theo đó khi khung đã thành hình mới dán giấy kính lên. Cuối cùng là vẽ trang trí hoa văn. Đèn Trung Thu truyền thống của Việt Nam có nhiều kiểu dáng, mỗi kiểu dáng lại có những ý nghĩa khác nhau như: đèn thỏ biểu hiện cho mặt trăng, đèn cá chép bắt nguồn từ sự tích cá vượt vũ môn, đèn ông sao với hình ông sao 5 cánh như hình ngôi sao trên quốc kỳ Việt Nam…Trung Thu của những ngày xưa tuy vất vả nhưng trẻ con luôn háo hức mong chờ, người lớn thì hân hoan chuẩn bị. Sau này khi cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, mỗi dịp tết Trung Thu về bên cạnh những món bánh nướng, bánh dẻo truyền thống còn có rất nhiều các loại bánh ngoại nhập khác. Bên cạnh những món đồ chơi truyền thống là nhanh nhản những món đồ chơi Trung Quốc..Quay cuồng trong vòng xoáy của kinh tế, của xã hội thay đổi đó, có những giai đoạn tưởng như người Việt Nam cũng đã “chán” Trung Thu, chán bánh nướng, bánh dẻo, chán cả những chiếc đèn lồng truyền thống của ngày xưa..









Dù còn hơn tháng nữa mới tới Rằm Thung Thu nhưng trên phố Hàng Mã đã bắt đầu bầy bán đèn Trung Thu của Việt Nam








Năm nay, bên cạnh những chiếc đèn kiểu dáng truyền thống là những chiếc đèn với chủ đề biển đảo. Sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng đồ chơi này sẽ góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc và ý thức chủ quyền trong tâm thức con trẻ..





Vậy mà may mắn thay, vài năm gần đây đặc biệt là năm Trung Thu 2013, người ta vui mừng khi thấy sự trở lại của những chiếc đèn Trung Thu truyền thống. Phải chăng bởi sự tác động của truyền thông từ nhiều năm trước hay bởi người ta đã nhận là rằng Trung Thu sẽ còn lại những gì nếu chỉ còn lại bánh ngoại, hoa quả nhập, mặt nạ, kiếm, tóc giả xanh vàng đỏ với đèn lồng Trung Quốc…Phải chăng mọi người đều nhận thấy rằng cần níu lại Trung Thu của ngày xưa? Có phải đã đến lúc những chiếc đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ được trở về với giá trị vốn có?...Dù vì lý do gì thì đây cũng là việc đáng mừng, mừng bởi không ai ép buộc nhưng mỗi người Việt Nam đang tự tìm lại giá trị truyền thống của dân tộc.

Tuy còn đến hơn 1 tháng nữa mới tới Trung Thu nhưng trên phố Hàng Mã đã thấy bày bán những chiếc đèn truyền thống của Việt Nam….Năm nay còn một điều mới lạ hơn đó là sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng với chủ đề Biển đảo. Những chiếc đèn mẫu mới nhất cho mùa Trung Thu 2014 với hình ảnh Thánh Gióng, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Ngư dân... sẽ khơi gợi tình yêu quê hương và chủ quyền đất nước trong tâm thức mỗi người Việt Nam.

Chắc chỉ 1-2 tuần nữa, trên các con phố Hàng Mã, Hàng Chiếu, Lương Văn Can sẽ tràn ngập màu sắc của đèn ông sao, đèn cù, đầu sư tử…và tràn ngập cả những tiếng cười của đám con trẻ khi được cha mẹ mua tặng món quà ý nghĩa này. Cứ như vậy, mỗi mùa Trung Thu đến rồi đi, nhưng giá trị văn hóa mà ngày tết này cùng với những món âm thực và đồ chơi truyền thống vẫn còn mãi đó trong ký ức, trong mong đợi của mỗi người.

Lan Hương

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]

Theo cinet.vn