Nghệ thuật đờn ca tài tử rất phổ biến tại các tỉnh phía Nam



(Cinet) – Trên hành trình di sản Việt Nam từ bắc vào nam; 21 tỉnh thành khu vực phía nam là điểm dừng chân cuối cùng của hành trình với nghệ thuật đờn ca tài tử.

Nghệ thuật đờn ca tài tử hiện nay được phát triển ở 21 tỉnh/ thành phố miền Nam Việt nam gồm: An Giang; Bà Rịa – Vũng Tàu; Bạc Liêu; Bến Tre; Bình Dương; Bình Phước; Bình Thuận; Cà Mau; Cần Thơ; Đồng Nai; Đồng Tháp; Hậu Giang; Tp.Hồ Chí Mih; Kiên Giang; Long An; Ninh Thuận; Sóc Trăng; Tây Ninh; Tiền Giang; Tra Vinh và Vĩnh Long..

Trong số đó có Bạc Liêu, Bình Dương; Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh là những nơi có đông các tài tử và cũng là những nơi phát triển nhất nghệ thuật này.

Nếu như miền Bắc có Quan họ, Ca trù; miền Trung có Nhã nhạc, ca Huế thì nghệ thuật đờn ca tài tử rất phổ biến ở miền Nam. Được hình thành từ thế kỷ thứ 19, suốt từ đó đến nay đờn ca tài tử luôn gắn bó mật thiết với đời sống của người dân khu vực này. Mặc dù được sáng tạo trên cơ sở nhạc Lễ của cung đình nhưng nghệ thuật đờn ca tài từ lại là dòng nhạc dân gian, chính vì thế mà có thể thấy nghệ thuật này luôn luôn xuất hiện trong các ngày lễ, đám cưới, đám hỏi, ngày vui, tết…

Các bài bản của nghệ thuật đờn ca cũng khá đa dạng được sáng tạo, được cải biển liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 04 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Bởi là một dòng nhạc có xuất phát từ cung đình do đó cách biểu diễn đờn ca tài tử khá đặc biệt và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, trình độ thực sự. Tại Việt Nam có 3 loại hình nghệ thuật có xuất xứ từ nhạc cung đình đó là Nhã nhạc Huế, Ca trù và Đờn ca tài tử. Nhưng khác với 2 loại hình Nhã nhạc và Ca trù người hát chính thường là nữ, trong nghệ thuật đờn ca thì nam và nữ có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau

Dàn nhạc của đờn ca tài tử có nhiều nhạc cụ hơn dàn nhạc của Ca trù và ca Huế. Trước đây, dàn nhạc đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kim, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm ( đàn ghi ta ), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc.

Cũng bởi lý do xuất phát từ cung đình do đó đờn ca xưa kia chủ yếu được biểu diễn trong các tư gia hoặc phục vụ 1 số ít khán giả. Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của dòng nhạc này mà ngày nay đờn ca đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng.












Tại một số tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương...hiện nay đã có những câu lạc bộ, nhóm biểu diễn nghệ thuật đờn ca phục vu khách du lịch..





Khi biểu diễn nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của nhạc cụ có âm sắc khác nhau, ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Thường thấy nhất là song tấu đàn kim và đàn tranh, là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, mà theo các chuyên gia thì được gọi là sắt cầm hảo hiệp. Cũng có khi là tam tấu đàn kim – tranh – cò, kim – tranh – độc huyền, tranh – cò – độc huyền mà giới chuyên gia gọi là tam chi liên hoàn pháp. Nếu một ban nhạc tài tử có 3 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban tứ tuyệt, nếu có 4 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban ngũ nguyệt.

Vì đờn ca tài tử đặc biệt ở chỗ thường được biểu diễn ngẫu hứng, dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài..

Kể từ khi nghệ thuật đờn ca tài tử được Unesco cộng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến nay, ngày càng có nhiều hơn những câu lạc bộ, hội quán, nhóm…tổ chức biểu diễn loại hình này. Nếu như trước kia khi đến miền Nam, du khách nào may mắn đến đúng vào những ngày mùa, ngày lễ tết, dịp cưới hỏi…mới có thể được nghe đờn ca thì nay đã có thể thưởng thức nghệ thuật này quanh năm. Tại các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương…giờ đây đều đã có những câu lạc bộ hoặc nhóm biểu diễn đờn ca phục vụ theo yêu cầu của khách thăm quan du lịch. Các tỉnh thành này, cũng là địa điểm cuối cùng trên hành trình di sản tại Việt Nam.

Lan Hương

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]



Theo cinet.vn