(Cinet)- Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù ai có bận bịu công việc tới cỡ nào đều muốn trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, những người con xa xứ thì bồi hồi nhớ về quê hương với bao tình cảm nhớ nhung da diết…

Mỗi độ xuân sang, những ước vọng, niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp, may mắn vào năm mới lại đưa mọi người tìm về với những phong tục Tết truyền thống. Dù theo thời gian, cùng sự phát triển của đời sống xã hội, có những phong tục vẫn được lưu giữ đến ngày nay, có những phong tục đã bị thay đổi; nhưng tựu trung lại Tết Việt đều không thể thiếu được những phong tục chủ yếu.

Cúng Táo quân

Theo tâm linh của người Việt thì ông Táo (hay ông bếp) là một vị thần trong gia đình, coi sóc việc bếp núc và bảo vệ cả nhà khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Ông Táo còn là người ghi chép, tổng kết tất cả những gì mọi người trong gia đình làm trong cả năm, và báo cáo mọi sự với Ngọc Hoàng khi lên chầu trời. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và mấy con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.







Cúng Tất niên

Cúng Tất niên là lễ cúng đánh dấu sự hoàn tất mọi công việc trong cả một năm đã qua, trong đó bao gồm cả việc cúng các ông tổ nghề đã phù hộ thuận lợi cho công việc làm ăn. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29, 30 Tết. Cúng Tất niên cần đến một bàn thờ trang trọng với mâm ngũ quả và cỗ bàn, bao gồm nhiều loại sản vật, để mời tổ tiên, ông bà về thụ hưởng và phù hộ cho con cháu một năm mới an khang, thịnh vượng.







Gói bánh chưng

Phong tục gói bánh chưng, bánh tét là để nhớ về cội nguồn cũng như cầu mong cho năm mới mọi thứ sinh sôi nảy nở, no đủ, mọi sự thành công, vuông tròn, tốt đẹp. Ở miền Bắc người ta gói bánh chưng còn miền Nam gói bánh tét. Công việc gói bánh trải qua nhiều công đoạn, cần sự hợp tác của nhiều người, mỗi người phụ trách một khâu như rửa lá, lau lá, vo gạo, ngâm gạo, nấu đậu, ướp thịt... rồi lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới, sum họp đầm ấm.







Cúng Giao thừa

Theo tục lệ cổ truyền xa xưa thì “Giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh thiên tướng đi thị sát cuối dưới hạ giới. Lúc này các thiên binh thiên tướng phải thị sát khắp hạ giới, nên phải đi nhanh, không thể vào tận bên trong mỗi nhà, vì vậy bàn cúng phải được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ gồm có xôi gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, được sắp bày với lòng thành của gia chủ để đón đưa thiên binh thiên tướng. Ý nghĩa của lễ này còn bao gồm việc đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Sau khi các nghi lễ cúng giao thừa đã hoàn tất, có thể coi như mọi việc đã xong, và mọi người trong gia đình cùng nhau xum vầy đón Tết.







Xông nhà

Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Vì vậy người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm trở nên rất quan trọng. Gia chủ thường để ý tìm xem trong họ tộc, bè bạn, láng giềng có ai đó “đạo cao đức trọng”, làm ăn phát đạt, nhanh nhẹn, vui vẻ để nhờ xông nhà đầu năm. Người được mời đi xông đất cũng vì thế mà rất tự hào và hãnh diện.

Chúc Tết

Ngày Tết chúc nhau những điều tốt đẹp là một trong những phong tục không thể thiếu. Trẻ nhỏ cũng được dạy để chúc những lời hay đến ông bà, cha mẹ, anh chị, người thân quen. Thường thì người ta chúc nhau sức khỏe, tiền tài, chúc làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc, thành công...; trẻ con thì chúc hay căn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi...







Mừng tuổi

Đi kèm với chúc Tết là phong tục mừng tuổi. Người lớn sẽ mừng tuổi trẻ con một ít tiền nhỏ để trong một phong bì đỏ (gọi là bao lì xì) để “phát vốn” cho bé. Món tiền chỉ là tượng trưng, không nặng về vật chất, miễn sao đồng tiền mới, phẳng phiu, không dùng tiền cũ nát...; kèm theo là những lời chúc mừng trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi. Mừng tuổi còn bao gồm cả việc người trẻ tặng phong bao và chúc mừng người già sống lâu trăm tuổi, tỏa cành cao bóng mát cho con cháu được nương nhờ.







Xuất hành và hái lộc

“Xuất hành” là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm sự may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục “hái lộc”, cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... những loại cây quanh năm xanh tốt và nẩy lộc. Hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới.

T.H (tổng hợp)

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]





Theo cinet.vn