Đèn lồng - Hương vị Tết Việt



(Cinet)- Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chiếc đèn lồng lại xuất hiện rất nhiều như vật trang trí vừa bình dân vừa thân thuộc trong đời sống của người Việt Nam.

Rực rỡ đèn lồng phố thủ công Hàng Mã

Đã vang bóng một thời con phố tọa lạc chính giữa thủ đô nghìn năm văn hiến có truyền thống lâu đời làm đồ thủ công, vì thế chẳng xa lạ gì cảnh mua bán nhộn nhịp trên con phố Hàng Mã những ngày cận Tết. Tuy là những nhà làm nghề không còn tiếp tục duy trì hoạt động nữa nhưng việc buôn bán ngành hàng thủ công, đặc biệt là đèn lồng vẫn diễn ra sôi động cả dãy phố.

Người dân các vùng lân cận lên Hàng Mã từ trước những ngày ông Công ông Táo để sắm sửa cho gia đình những chiếc đèn đỏ trang trí may mắn. Con phố nhỏ thường ngày vốn đã đông đúc lại càng náo nhiệt hơn. Không chỉ là con phố mua sắm, nơi đây còn là một địa điểm để tham quan, chụp ảnh lý tưởng cho người trong và ngoài nước.

Những ngày này khu phố Hàng Mã đỏ rực bởi màu sắc lộng lẫy của những chiếc đèn lồng phố cổ, những cành hoa đào, hoa mai khoe sắc trong nắng, những câu đối ngày tết lung linh đón chào một năm mới Ất Mùi.

Lung linh sắc màu phố cổ Hội An










Những ngày Tết, các phố đèn lồng lại rực rỡ sắc màu





Đô thị cổ Hội An là một nơi nổi tiếng với những chiếc đèn lồng được trang trí đẹp mắt với nhiều hình dáng như hình quả bí, quả cà na, củ tỏi… Ngoài ra, còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.

Nghề làm đèn lồng Hội An đã lưu truyền hơn 400 năm và vẫn được tiếp nối cho đến bây giờ. Nguyên liệu để tạo ra những chiếc đèn lồng là tre và vải bọc - những thứ rất quen thuộc với người nông dân. Sự kết hợp khéo léo giữa tre và vải lụa mềm mại cùng đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo nên nét đặc sắc riêng biệt của những chiếc đèn lồng đầy quyến rũ. Đèn lồng Hội An được sản xuất theo một quy trình thủ công khép kín. Trước hết là từ khâu lựa chọn tre. Tre phải là loại tre già còn tươi, sau đó nấu lên, ngâm trong nước muối 10 ngày để tránh mối mọt rồi mang ra phơi khô. Tiếp đó vót tre thành từng nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn.









Mỗi chiếc đèn lồng là ý niệm thay cho lời chúc năm mới tốt đẹp, an vui...





Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ mang những ánh sáng khác nhau. Những nan tre sẽ được gắn vào hai vòng gỗ để định hình khung và được kết nối bởi những sợi dây dù. Vải được cắt trước thành mảnh theo kích thước của đèn và được dán lên những nan khung đã được bôi keo, sau đó được cắt tỉa những phần dư thừa. Cuối cùng, chiếc đèn lồng Hội An sẽ được tô điểm bởi nét vẽ, đường thêu như nhánh trúc, cành đào, hoa mai hay chữ thư pháp và hình ảnh các di tích lịch sử Việt Nam.

Dạo quanh phố cổ vào dịp Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ được hòa mình vào khung cảnh rực rỡ lung linh bởi vô số đèn lồng muôn kiểu dáng đua nhau khoe sắc trên dọc các con đường, trước hàng quán, hiên nhà…Đặc biệt, vào dịp đầu xuân còn có lễ hội đèn lồng và thả hoa đăng trên sông Hoài để cầu ước may mắn cho năm mới.

Tỏa sáng đèn truyền thống Phú Bình

Làng lồng đèn Phú Bình, quận 11, TP.Hồ Chí Minh là nơi vô cùng rực rỡ mỗi dịp xuân sang. Dọc con đường vào giáo xứ Phú Bình, nơi đâu cũng giăng đầy những chiếc đèn lồng mang đậm phong cách dân gian. Ngay từ những ngày tháng trong năm, người làng đã bắt đầu bắt tay vào làm lồng đèn Tết Nguyên đán.









...và là nét văn hóa truyền thống cần được lưu giữ





Đã tồn tại qua hơn nửa thế kỷ, lồng đèn Phú Bình không những đẹp, mang nét đặc trưng văn hóa truyền thống mà còn là nơi gửi gắm những ước mơ, phép nhiệm màu trong tâm hồn của biết bao thế hệ qua những nét hoa văn rực rỡ, hình tượng phong phú của con cá, con tôm, nai đủ màu vàng, xanh, đỏ…Vì thế mà nơi đây được nhiều người biết đến và thường là điểm dừng chân của những du khách đến thăm và mua đèn lồng về làm quà.

Cách thực hiện một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh phải trải qua hơn 10 công đoạn tất cả, từ chẻ lồ ô (một loại giống tre rỗng ruột ), kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Với nguyên liệu làm khung đèn là lồ ô thì giấy dán đèn phải có màu đỏ, đẹp. Tuy vậy, cách tạo hình, dán và những họa tiết trang trí trên đèn mới là yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc đèn. Đây là những công đoạn đòi hỏi không chỉ khéo tay mà còn phải có khiếu vẽ, sự tỉ mẩn, kiên trì của nghệ nhân.

Theo truyền thống của các nước Châu Á, trong không khí đầm ấm, sum vầy ngày Tết, những chiếc đèn lồng được sử dụng với ý niệm thay cho một lời chúc tương lai tốt đẹp, an bình. Những con phố đèn lồng luôn là nơi thu hút sự chú ý của tất cả du khách thập phương tạo nên hương vị tết Việt, gợi mở hồn cốt quê hương và là nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ muôn đời.

CN

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]



Theo cinet.vn