Bình gốm Lái Thiêu đầu thế kỷ XX, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Hương Cinet



(Cinet) – Nói đến gốm xứ miền Nam không thể không nói đến gốm Lái Thiêu. Làng gốm nổi tiếng với những sản phẩm gồm tinh tế, đậm chất Nam Bộ lại mang tính ứng dụng cao nằm tại tỉnh Bình Dương.

Không chỉ nổi tiếng với những vườn trái cây, Lái Thiêu còn được biết đến với sản phẩm gốm chiếm vị trí độc tôn ở miền Nam. Gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ XX, khi gốm Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, địa bàn sản xuất bị thu hẹp do đó một số lò gốm đã chuyển ra khu vực ngoại vi lân cận. Từ đó hình thành trung gốm Lái Thiêu. Không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu đi sâu, tập trung sản xuất gốm gia dụng.

Cũng vì chủ yếu sản xuất các sản phẩm thực dụng nên từ khâu tạo tác gốm Lái Thiêu đã đồng thời kết hợp nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của gốm Lái Thiêu. Vừa đẹp lại là sản phẩm ứng dụng, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều vời khoảng đầu thế kỷ XX.

Nếu như gốm Sài Gòn có thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì sang đến gốm Lái Thiêu, các lò gốm tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…Mặc dù sản xuất những đồ bình dân, thực dụng như vậy nhưng mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt.












Một vài sản phẩm gốm đặc trưng của Lái Thiêu. Đi sâu vào sản xuất sản phẩm ứng dụng song không vì thế mà gốm Lái Thiêu mất đi tính mỹ thuật, trái lại nhìn vào các sản phẩm này người dùng có thể nhận thấy sự tinh tế đậm chất hội họa.





Một điều đáng tiếc là khoảng 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa đã đẩy người làng gốm phải đi làm thuê trong các nhà máy gốm sứ mọc lên ở đây hoặc chuyển sang buôn bán. Gốm Lái Thiêu cũng từ đó mai một nhiều. Dẫu vậy, may mắn vẫn còn những người yêu nghề với nỗ lực giữ nghề truyền thống. Hiện nay tại Lái Thiêu còn một vài gia đình vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất và chậu, bình lớn bới sản phẩm bát, đĩa, ấm chén không thể cạnh tranh giá cả với những sản phẩm sản xuất hàng loạt.

Cũng giống như những sản phẩm gốm miền Nam khác, nếu so sánh gốm Lái Thiêu với gốm Bát Tràng, Chu Đậu thì giá cả dòng gốm Lái Thiêu có phần rẻ hơn. Nhưng qua thời gian, vẻ đẹp mộc mạc của các sản phẩm gốm Lái Thiêu đang ngày càng được yêu thích hơn. Những sản phẩm gốm Lái Thiêu xưa đang được tìm kiếm nhiều trong thị trường đồ cổ. Trong bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh có riêng một khu vực trưng bày và giới thiệu về gốm Lái Thiêu.

Ngày nay khi đến thăm Bình Dương, cùng với những địa điểm thăm quan khác như Vườn cây Lái Thiêu; Khu di lịch Sóc Xiêm; Chùa Bà; Chùa Hội Sơn Châu Thới…Làng gốm Lái Thiêu cũng là một địa điểm thú vị mà du khách nên ghé thăm. Ở đây, du khách có thể đến thăm quan xưởng gốm để tận mắt tìm hiểu quá trình sản xuất các sản phẩm gốm chứ danh của miền Nam, đồng thời hiểu thêm về một nghề truyền thống của Việt Nam.









Cùng với sản phẩm ứng dụng, gốm Lái Thiêu cũng sản xuất những sản phẩm thờ cúng và trang trí. Ảnh trên: Bát hương gốm men. Ảnh dưới: Cá chép hóa rồng ( đồ trang trí)





Bài & ảnh: Lan Hương







Theo cinet.vn