Tìm lại giấc mơ Chapi giữa đại ngàn



(Cinet)- “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, nhiều người vẫn gọi nó là tình khúc của những kẻ du lãng tha thiết muốn đi tìm giấc mơ mang hồn tiếng đàn tre của người Raglai. Tiếng đàn Chapi, điệu nhạc Chapi chính là lòng người Raglai, hồn người Raglai thẳm sâu trong sương khói hoai hoải miền sơn cước.

Không khó để tìm ra vùng đất một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác, đó chính là những huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, nơi phân bố cư trú của đồng bào dân tộc Raglai. Họ chính là chủ nhân của cây đàn Chapi độc đáo khiến nhiều người say mê qua lời kể của ca khúc “Giấc mơ Chapi' của nhạc sĩ Trần Tiến.

Không người Raglai nào có thể nhớ cây đàn Chapi xuất hiện từ khi nào, họ chỉ biết đó là cây đàn của người nghèo bởi người Raglai giàu có đã có bộ Mã lai mua bằng trâu bằng bò đắt giá truyền qua nhiều thế hệ. Những người khốn khó hơn đã nghĩ ra cách làm cây đàn bằng những chất liệu có sẵn trên rừng để tạo ra âm thanh giống hệt bộ Mã la, từ đó cây đàn Chapi xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong đời sống của người Raglai. Phụ nữ Raglai vừa có thể địu con vừa có thể đánh đàn Chapi để cho giấc ngủ em bé thêm ngon lành. Người đàn ông có thể chơi trong đêm trăng mờ bên suối để hẹn hò. Trong những lúc nghỉ ngơi trên nương rẫy, đàn Chapi cũng vang lên để hòa cùng giọt mồ hôi. Và Chapi cũng bước vào lễ hội mừng năm mới, nhà mới của buôn làng.












Chapi là cây đàn của người nghèo. Nó xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong đời sống của người Raglai.





Đàn Chapi, chỉ đơn giản là một ống tre, hai đầu có mấu, dài khoảng 40 cm, có tám giây, bốn phím bao quanh ống tre. Lên cao hay xuống thấp cao độ là nhờ 16 'con ngựa' chêm ở các đầu dây. Người chơi đàn gảy vào phím, hộp cộng hưởng là ống tre được úp một đầu vào bụng. Tre làm đàn phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đồi cao, vì mọc dưới thấp rễ uống nhiều nước tiếng kêu sẽ không thanh.

Những người còn mê đàn Chapi kể rằng, muốn tìm được cây tre làm đàn, họ đã phải đợi đến gần hai năm trời. Khi tìm được bụi tre ưng ý, thân tre còn xanh, đánh dấu để đó. Ðợi hơn một năm sau khi vỏ tre chuyển mầu vàng thì dùng rựa vạt ngang thân, đốn thành lóng mang về. Còn phải gác trên chái bếp khoảng 3-4 tháng cho ống tre thật khô, thật dai, thật bền mới hạ xuống làm đàn...

Chơi đàn Chapi không phải là một chuyện đơn giản, do không có những ghi chép ký âm nên từ bao đời nay cách học đàn vẫn dừng lại ở chuyện truyền nghề trực tiếp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu và sự yêu thích của người được truyền lại. Các giai điệu có thể được chơi trên cây đàn Chapi cũng được truyền lại từ nhiều thế hệ với nội dung đơn giản mộc mạc như tâm tính người Raglai, như giai điệu con ếch con chim than thở du êm chào khách.






Một sự thật phũ phàng là cây đàn Chpi đang mất dần trên chính quê hương mình





Nhưng ngày nay, một sự thật phũ phàng là cây đàn Chapi đang mất dần trên chính quê hương của mình. Cây đàn Chapi thấm đẫm tâm sự người Raglai đang hứng chịu một nỗi buồn, đó là lớp trẻ sau này không còn say mê với cây đàn của cha ông. Họ đang làm quen với những nhạc cụ tối tân hơn, những âm thanh xập xình chốn thành thị. Cả vùng Raglai Ma Nới đến nay chỉ còn Chamale Âu biết làm đàn và biết gảy Chapi.

Chamale Âu đã ở tuổi lục tuần. Mỗi lần có khách đến chơi hỏi về cây đàn, ông qúy lắm. Ðây là dây mẹ, đây là dây cha, đây dây con trai, đây dây con gái. Dây cha thì cao, dây mẹ thì trầm, dây con lớn thanh, dây con út nhỏ. Hứng lên, ông lại ôm đàn Chapi và gẩy.

“Ðiệu 'Con ếch' vang lên như báo những cơn mưa đầu mùa, gọi nhau lên nương trồng tỉa. Ðiệu 'Con chim' báo cho nhau khoảng thời gian trong ngày. Ðiệu 'Thở than' như chia sẻ những nỗi niềm buồn khổ. Ðiệu 'Em ở lại anh về' nói lời giã biệt sau trắng đêm hò hẹn nơi suối vắng, rừng sâu. Rồi đến 'Con gái lúa', 'Con trai bắp' cũng chỉ đơn giản là những tâm sự từ đáy lòng người Raglai yêu quý hạt lúa, hạt bắp như chính con trai, con gái của mình. Ông hát lên ngôn ngữ Raglai theo tiếng đàn Chapi trầm bổng: 'Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Hãy để cho mẹ được bình an, no đủ/Hỡi bắp trắng con trai của mẹ/Ðừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng... '.








Cả vùng Raglai Ma Nới đến nay chỉ còn Chamale Âu biết làm đàn và biết gảy Chapi.



Ông hát, nhưng trong đôi mắt người đàn ông Raglai ẩn chứa nỗi cô đơn khôn tả. Cả vùng Ma Nới này chẳng có đứa nhỏ nào biết làm đàn, gẩy đàn Chapi nữa. Ông buồn, vì tình yêu Chapi, tình yêu Raglai bỏng cháy trong ông đang thôi thúc ông níu giữ những gì đang nguy cơ vụt mất. Ông lo, cuộc đời mình liệu có đủ dài để kịp truyền lại những ngón đàn Chapi, truyền lại những báu vật từ thuở ông bà...

Giấc mơ Chapi đang mờ dần đi nhưng vẫn còn những tấm lòng quyết giữ gìn vốn quý văn hóa của dân tộc. Đó chính là niềm vui, niềm hy vọng cho những ai đã từng đặt chân đến vùng đất này mang về từ mảnh đất Đắc rai. Họ tin một ngày không xa tiếng đàn Chapi lại vang lên để không gian núi rừng thêm bác ái, thêm thanh bình, thêm xanh tươi và giấc mơ Chapi không bao giờ tắt.

CN

<em style=''>(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)[/I]

Theo cinet.vn