Ruộng bậc thang Mù Căng Chải . Ảnh Kiếm Anh



(Cinet)- Mỗi độ Thu về, những thửa ruộng bậc thang trên các triền núi vùng cao phía Bắc lại ánh lên một màu vàng rực rỡ. Màu lúa chín hòa với ánh nắng vàng và làn sương sớm tạo nên cảnh sắc lung linh là những hình ảnh đặc trưng của vùng đất địa đầu tổ quốc.

1. Mù Cang Chải - Vương quốc ruộng bậc thang

Một trang web du lịch của Mỹ đã viết: “Phong cảnh lộng lẫy và ngoạn mục của Mù Cang Chải, Việt Nam thực sự là vẻ đẹp tinh tế hơn bất cứ một khung cảnh tuyệt vời nào nên thế giới mà chúng tôi có thể giới thiệu đến. Vẻ đẹp nơi đây thậm chí có thể khiến cho tim bạn phải ngừng đập”.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.

Dừng xe bên đường, từ trên cao nhìn xuống những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoàn hảo của khung cảnh thiên nhiên. Bầu trời mùa thu ánh nắng vàng rực rỡ, bớt nóng gắt, phía dưới là những thửa ruộng bậc thang mà tất cả lúa đều chuyển sang sắc vàng... Lúc này, Mù Cang Chải như bức tranh thêu tay đẹp đến từng chi tiết nhỏ, nên thơ, kỳ vĩ, đắm say lòng người. Một cảm giác sẽ khiến bạn không thể thốt lên thành lời, mà chỉ biết tận hưởng và ghi lại nhiều nhất những khoảnh khắc tối đa có thể.

Giữa “biển vàng” hương sắc mùa lúa chín, hương thơm rẻo cao cứ thế ngào ngạt, vương vít trên chiếc áo còn đẫm mồ hôi của người đồng bào dân tộc nơi đây… rồi theo chân họ về nhà, quấn quít bên chiếc cối xay để thành hạt gạo, hạt cốm thơm ngon, dẻo bùi. Có dịp bước chân đến những bản làng nơi đây mới thấy hết cuộc sống giản đơn, bình dị mà rất đỗi gần gũi, thân quen của người bản địa mến khách. Bất chợt thấy thấm thía hơn về công sức, sự cần cù, chịu thương chịu khó từ bao đời nay để hình thành nên những nấc thang vươn cao đến tận trời…


















Mùa Cang Chải - Vương quốc ruộng bậc thang. (Ảnh: Kiếm Anh )



Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải đã được cấp bằng công nhận vào tháng 10 năm 2007. Tại Tuần Văn hoá - Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015 vừa được tổ chức, du khách trong và ngoài nước không chỉ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang với sắc vàng rực rỡ, mà còn được hòa cùng một chuỗi các sự kiện đặc sắc, phong phú, hấp dẫn của các lễ hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ẩm thực như: phiên chợ vùng cao, hành trình với danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chương trình chiếu phim, xe thư viện lưu động, tham gia các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, triển lãm ảnh “Mù Cang Chải - Những nấc thang vàng”, khảo sát thông tin bãi đá cổ, hội thi khèn Mông, hội thi chọi dê và các môn thể thao dân tộc, bay dù lượn tại đèo Khau Phạ...

Với chủ đề “Mùa vàng trên non”, lễ hội Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015 thực sự là một bữa tiệc văn hóa nhiều màu sắc, đem lại nhiều cảm xúc, ấn tượng mạnh đối với du khách trong và ngoài nước.

2. Hoàng Su Phì - Lộng lẫy mùa vàng

Hoàng Su Phì là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Đây là huyện có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và trung bình, thấp dần về phía sông theo hướng dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc, tạo nên 3 dạng địa hình chính là địa hình núi cao, đồi núi thấp và trung bình, thung lũng hẹp.

Hoàng Su Phì nổi tiếng với hình thức canh tác trên ruộng bậc thang. Mặc dù cho đến nay chưa có một tài liệu chính thống nào khẳng định được chính xác thời gian xuất hiện của hình thức canh tác trên ruộng bậc thang cũng như dân tộc nào đã sáng tạo ra, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức canh tác trên ruộng bậc thang đã xuất hiện ở Hoàng Su Phì từ vài trăm năm trước.

Đã từ lâu, những thửa ruộng bậc thang ở xã Bản Phùng, xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty, Thông Nguyên… đã không chỉ là nét văn hóa, còn là nét đẹp, là niềm tự hào của Hoàng Su Phì.

Cứ đến độ tháng 9, tháng 10, những thửa ruộng bậc thang trên vùng cao Hoàng Su Phì lại bước vào mùa lúa chín. Khi màu vàng quyến rũ của lúa phủ kín mọi nơi cũng là lúc các phượt thủ lại náo nức lên đường để ngắm cảnh đẹp.

Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước, nhiều du khách quốc tế cũng lặn lội tìm đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo này. Những nghệ sỹ nhiếp ảnh coi đây là địa điểm lý tưởng để sáng tạo nghệ thuật… Đứng trước khung cảnh bao la, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm hàng nghìn thửa ruộng bậc thang trải đều tít tắp, uốn lượn bao quanh những sườn đồi, lưng núi, lung linh dưới làn mây, tia nắng hệt như một bức tranh sống động.

Được công nhận là di sản cấp quốc gia từ năm 2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngày càng trở nên nổi tiếng và được nhiều du khách khắp nơi tìm đến.









Hoàng Su Phì - Lộng lẫy mùa vàng. Ảnh Nguồn Internet



Tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì diễn ra từ ngày 24-27/9 với nhiều các hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc trong huyện, trình diễn nhiều phong tục tập quán đặc sắc như: Lễ cúng thần rừng và các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Nùng xã Pố Lồ; Lễ mừng cơm mới của dân tộc La Chí tại xã Bản Phùng và quy trình làm Cốm nếp; Lễ hội Gầu Tào và các hoạt động văn hóa dân gian dân tộc Mông tại xã Bản Péo; các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Dao áo dài xã Bản Luốc; Hội chọi dê huyện Hoàng Su Phì lần thứ 4 năm 2015 tại thị trấn Vinh Quang gắn với dịp các thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện.

Cùng với đó, huyện tổ chức các hoạt động phụ trợ như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về thiên nhiên, con người và các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trong huyện do các nhiếp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp trong và ngoài huyện sáng tác. Các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, trang phục, tranh tượng, gỗ lũa nghệ thuật, nhạc cụ, các sản phẩm nông - lâm sản chế biến tại địa phương. Tổ chức các hoạt động văn hóa ẩm thực bao gồm: Thắng cố dê, các món ăn truyền thống của địa phương…

Song song với với các sự kiện trong tuần văn hóa du lịch là Lễ hội trăng rằm được tổ chức thường niên hàng năm, theo đó các mô hình tham gia lễ hội sẽ được rước quanh địa bàn thị trấn Vinh Quang từ ngày 22-27/9 càng làm cho không khí Tuần văn hóa du lịch trở nên sôi động, hấp dẫn.

Nguyên Hà.

Ảnh CTV Kiếm Anh , Inetrnet



Theo cinet.vn