Viện Bảo tàng tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vừa đón nhận một đợt cổ vật gồm 32 đồ trang trí bằng vàng đời nhà Tần thuộc thời kỳ Xuân Thu do Pháp trao trả.

Đây là lần đầu tiên đợt cổ vật này ra mắt ở Trung Quốc sau hơn 20 năm lưu lạc ở hải ngoại.

32 đồ trang trí bằng vàng này có xuất xứ từ Di chỉ các ngôi mộ cổ ở núi Đại Bảo Tử, huyện Lễ, tỉnh Cam Túc, là cổ vật quý báu để nghiên cứu văn hoá thời kỳ đầu nhà Tần. Sở dĩ 32 cổ vật này bị thất lạc là do vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nạn trộm mộ hoành hành ở nhiều địa phương Trung Quốc, cũng theo đó những đồ trang trí bằng vàng này bị tuôn ra nước ngoài.

Cho đến năm 2005, Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc khởi động chương trình điều tra cổ vật bị lưu lạc ở nước ngoài, như vậy mới điều tra rõ tình hình những cổ vật bị thất lạc từ núi Đại Bảo Tử, triển khai nghiên cứu một cách hệ thống, hoàn thành “Báo cáo về những cổ vật bị thất lạc từ núi Đạo Bảo Tử, huyện Lễ, tỉnh Cam Túc”.

Là một trong những người phụ trách hoàn thành báo cáo nói trên, Giám đốc Sở Nghiên cứu khảo cổ văn vật tỉnh Cam Túc Vương Huy cho biết, nhà khảo cổ nổi tiếng Hàn Vĩ là người sớm nhất phát hiện những đồ trang trí bằng vàng này bị thất lạc sang Pháp. Nhưng, để xác định những cổ vật này đúng là bị mất cắp từ huyện Lễ, tỉnh Cam Túc thì đòi hỏi phải có “chứng cứ kép” cả về kỹ thuật lẫn pháp lý.

Ông Vương Huy cho biết, Trung Quốc đưa cho phía Pháp báo cáo phân tích về những cổ vật này, Pháp cũng tiến hành phân tích những đồ trang trí bằng vàng này bằng phương pháp tương đồng, sau đó phát hiện các thành phần trong thổ nhưỡng, chu sa và bùn trên các cổ vật hoàn toàn tương đồng với di chỉ các ngôi mộ cổ ở núi Đại Bảo Tử.

Ngoài cung cấp chứng cứ về kỹ thuật ra, Trung Quốc còn tìm thấy những chứng cứ về pháp lý, nhân viên khảo cổ đã trao đổi với một số người tham gia trộm mộ thời đó, trao đổi với cơ quan công an, viện kiểm sát và toà án, xem lại hồ sơ các vụ trộm mộ, nhiều người khai báo đã đào những đồ trang trí bằng vàng từ ngôi mộ nào, có hình dáng ra sao. Những lời khai này hoàn toàn phù hợp với sự miêu tả của phía Pháp về những đồ trang trí bằng vàng này.

Cuối cùng, nhân dịp Trung Quốc và Pháp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2014, Trung Quốc một lần nữa đề xuất, mong Pháp thúc đẩy cơ quan hữu quan trả lại cổ vật, và điều này đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Pháp.

Như vậy, sau hơn 20 năm lưu lạc ở nước ngoài, những đồ trang trí bằng vàng quý báu này đã được Pháp trả lại cho Trung Quốc. Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc quyết định trao toàn bộ 32 cổ vật cho Viện Bảo tàng tỉnh Cam Túc cất giữ và trưng bày.

Ngay sau khi tiếp nhận, Viện Bảo tàng tỉnh Cam Túc đã tổ chức triển lãm đặc biệt trưng bày 32 cổ vật có xuất xứ từ Di chỉ núi Đại Bảo Tử mang tên “Phong độ đời nhà Tần”.

Được biết, trong toàn bộ số cổ vật lưu lạc ở nước ngoài bị thất lạc từ Di chỉ núi Đại Bảo Tử, có 81 cổ vật đã có manh mối, được cất giữ ở Anh, Bỉ, Nhật, Mỹ, Đài Loan và Hồng Kông.

Theo CRI



Theo cinet.vn

View more random threads: