(Cinet)- Theo kết quả thăm dò khảo sát của cơ quan UniFrance, trực thuộc Trung Tâm Quốc gia Điện ảnh Pháp cho thấy nước Pháp hiện đứng hàng thứ hai trên thế giới về mặt xuất khẩu phim ảnh.

Được thành lập vào năm 1949, cơ quan UniFrance hiện có khoảng 800 thành viên thuộc giới chuyên ngành (đạo diễn, diễn viên, sản xuất, viết kịch bản ….) có nhiệm vụ quảng bá nền điện ảnh Pháp với khán giả nước ngoài. Hàng năm cơ quan này thường tổ chức Liên hoan phim Pháp tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, trong đó có New York, Berlin, Madrid, Roma, Dubai, Bắc Kinh hay Tokyo. Cuộc thăm dò thực hiện nhằm tìm hiểu đối tượng, bắt mạch thị trường, để rồi từ đó xuất khẩu các bộ phim Pháp sao cho hợp với thị hiếu của đa số khán giả.

Trong năm nay, bộ phim Pháp thành công nhất trên thị trường nội địa cũng như ở nước ngoài chính là Lucy, cuộn phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Luc Besson. Bộ phim thứ nhì là Giai nhân và Quái Thú (La Belle et La Bête / The Beauty and The Beast) phiên bản mới của đạo diễn Christophe Gans, tuy không ăn khách như phim khoa học viễn tưởng Lucy trên thị trường Pháp, nhưng bộ phim thần thoại cổ trang này lại bán chạy ở nước ngoài, thành công ngoạn mục tại Đông Âu và nhất là tại các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông là những thị trường quan trọng nhất.

Tại Nga hay tại Đức, các bộ phim Pháp dễ xuất khẩu nhất vẫn thuộc vào thể loại phim hài, dành cho đại chúng. Ngược lại phim ghê rợn của Pháp nếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như sang Thái Lan thì lại khó mà thành công, do cả hai thị trường này đều bị ứ đọng, đầy rẫy những bộ phim kinh dị, cho nên phim Pháp khó có thể chen chân vào. Một cách tương tự, trên thị trường Nhật Bản, các bộ phim hoạt hình của Pháp dù có hay cách mấy cũng khó mà cạnh tranh nổi với Pixar, DreamWorks hay Disney của Mỹ, cũng như với các hãng phim hoạt hình như Ghibli, Mushi, Toei hay Tatsunoko của Nhật.

Hàng năm nước Pháp xuất khẩu trên dưới 50 phim sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là một phần ba trên tổng số phim mà nước Pháp sản xuất mỗi năm, đều được bán ra nước ngoài, và dĩ nhiên là chiến lược xuất khẩu phải biết thích nghi với đối tượng khán giả của từng quốc gia, từng châu lục. Ăn trông nồi, ngồi coi hướng : làm gì thì cũng phải xem trước ngó sau, để thấy có thích hợp hay chăng ? Nếu muốn chinh phục thêm khán giả, nước Pháp buộc phải mở rộng các chủ đề khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, hầu lôi kéo lứa tuổi thanh niên vào rạp xinê.

Riêng về thị trường Hoa lục, hướng phát triển tương lai của Hollywood cũng như của giới làm phim Pháp, cho tới nay Trung Quốc vẫn có chính sách ‘’bảo hộ’’, dùng quota để hạn chế số lượng phim ngoại quốc trên thị trường khổng lồ này. Hiện giờ, chỉ có khoảng 30 bộ phim Mỹ được phân phối hàng năm tại Trung Quốc, trong khi đó chỉ có 8 bộ phim Pháp mới được công chiếu tại Hoa lục.

Cơ quan UniFrance buộc phải lao vào một vòng đàm phán ‘’dài hơi’’, nỗ lực thuyết phục chính quyền Trung Quốc nới lỏng quota đối với sản phẩm văn hóa đến từ Pháp. Không chỉ riêng gì Trung Quốc, mà nước Pháp còn hy vọng trong những năm tới tăng mức xuất khẩu điện ảnh sang các nước đang trỗi dậy.

Nước Pháp hiện đứng hàng thứ hai trên thế giới về mặt xuất khẩu phim ảnh. Một mặt, Paris phải gia tăng số lượng xuất khẩu, nhưng mặt khác, nước Pháp phải chăm chút về mặt chất lượng để duy trì nét ‘’đặc thù văn hóa’’, một ưu thế để có thể bán phim ra nước ngoài.

CN (Theo RFI)



Theo cinet.vn