Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich. Ảnh: REUTERS



Không hoàn toàn là những sự kiện lịch sử, các tác phẩm của bà Svetlana Alexievich tạo nên 'lịch sử của cảm xúc'.

Nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich hôm 8-10 được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Văn chương 2015 vì 'những tác phẩm đa âm sắc, một tượng đài về nỗi đau và lòng dũng cảm của thời đại chúng ta'.

'Bằng phương pháp đặc biệt, bà Alexievich đã ghi lại bản hợp ca những âm điệu của con người và khắc sâu sự hiểu biết của chúng ta đối với thời đại này' - Viện Hàn lâm Thụy Điển hết lời ca ngợi. Như vậy, nữ văn sĩ 67 tuổi này trở thành cây bút nữ thứ 14 và là nhà báo đầu tiên được trao giải thưởng danh giá với trị giá 8 triệu crown (972.000 USD).

Thực ra, nhiều người dự đoán chiến thắng sẽ về tay nữ nhà báo điều tra Alexievich bởi bà đứng đầu bảng cá cược của 2 nhà cái nổi tiếng Ladbrokers và Paddy Powers. Bà Danius kể với báo The Guardian về phản ứng của nữ văn sĩ khi nhận tin báo trên điện thoại: 'Bà ấy vui mừng khôn xiết và thốt lên 2 tiếng: Tuyệt vời!'.

Sinh ra ở Ukraine song bà Alexievich lớn lên tại Belarus. Giới mộ điệu hết sức hâm mộ giọng văn pha chất báo chí của bà. 'Bà ấy đã sáng tạo một thể loại văn học mới. Trong 30-40 năm qua, bà ấy dành thời gian định vị con người Liên Xô và hậu Xô viết. Nhưng không hoàn toàn là những sự kiện lịch sử, các tác phẩm của bà tạo nên lịch sử của cảm xúc' - bà Danius bày tỏ.

Trong gia tài sáng tác được thế giới tôn vinh của bà Alexievich, gây tiếng vang bậc nhất phải kể đến quyển 'Voices from Chernobyl' (Những tiếng nói từ Chernobyl) xuất bản năm 1998, phơi bày nỗi kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. 'Cuốn sách nào của tôi cũng chứa đựng lời kể của các nhân chứng, các thanh âm sống động của con người. Thông thường, tôi dành 3-4 năm để viết một cuốn sách nhưng tác phẩm về Chernobyl ngốn hơn 10 năm' - nữ văn sĩ chia sẻ.

'Lắng nghe ai đó là điều rất quan trọng và tôi luôn lắng nghe. Tôi vẫn tìm kiếm một phương pháp biểu đạt sao cho có thể mô tả cuộc sống thực nhất. Cuộc đời thực lúc nào cũng cuốn hút tôi như thanh nam châm. Nó ám ảnh, thôi miên và tôi muốn phô bày tất thảy trên trang viết' - bà Alexievich nói. Dù được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhận nhiều giải thưởng quốc tế, các tác phẩm của bà Alexievich, đa phần viết bằng tiếng Nga, lại không được xuất bản ở quê hương Belarus, được cho là vì luật kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko. Lãnh đạo đối lập Belarus Andrei Sannikov tán tụng: 'Bà xoáy vào bi kịch của con người, lột tả chân thực nhất những gì đang xảy ra bên trong bản chất con người'.

Nhắc đến Nobel Văn chương, không thể không nhắc đến cái tên Haruki Murakami. Nhà văn Nhật Bản này luôn được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho giải thưởng danh giá nhiều năm qua. Năm nay cũng vậy nhưng một lần nữa tác giả 'Rừng Na Uy' lại trắng tay. Một trong những cái tên nổi bật khác chưa được xướng tên là nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie (68 tuổi), nổi tiếng với tiểu thuyết 'Những vần thơ của quỷ Satan' (1988).

Theo NLĐ



Theo cinet.vn

View more random threads: