Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hôm 10/10 đã chính thức ghi danh Chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt 'Đi tìm gia đình ly tán' của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS vào danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”.

Tài liệu được công nhận lần này bao gồm 463 băng ghi hình gốc chương trình trực tiếp với tổng thời lượng 453 giờ 45 phút trong 138 ngày từ tháng 6 năm 1983 và hơn 20.000 tài liệu liên quan gồm sổ tay ghi chép nghiệp vụ của biên tập viên đảm nhiệm chương trình, đơn đăng ký tham gia chương trình do đích thân các gia đình bị ly tán soạn thảo, lịch công việc hàng ngày, lịch phát sóng, băng đĩa kỷ niệm, ảnh tư liệu và ảnh hiện trường cuộc gặp gỡ các gia đình bị ly tán.

Đây là tư liệu truyền hình thứ hai trên thế giới sau chương trình về vụ bức tường Berlin sụp đổ của một đài truyền hình Đức, được đưa vào danh sách di sản tư liệu thế giới.

Ngoài ra, mộc bản Nho giáo triều đại Joseon là những bản gỗ khắc chữ Hán dùng để in sách cho các học giả thời Joseon (thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX), cũng được chọn là Di sản Tư liệu thế giới.

Ngoài ra còn có, các văn bản về vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc) ghi chép quân lính Nhật Bản xâm chiếm Nam Kinh vào năm 1937 sát hại người dân bản địa và những tư liệu về xét xử tội phạm chiến tranh sau đó.

Trong cuộc họp Ủy ban di sản tư liệu thế giới lần thứ 12, 47 trong tổng số 88 tư liệu được 60 quốc gia đăng ký đã được ghi danh là di sản tư liệu thế giới.

Theo KBS



Theo cinet.vn