Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh thăm chính

thức Cộng hòa Séc hồi tháng 7/2014. (Ảnh: Vietnam+)



(Cinet)- Tờ trình số 207/TTr-BVHTTDL ngày 20/10/2015 của Bộ VHTTDL gửi Chính phủ về việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao.

“Hiệp định hợp tác Văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc” được Bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa và giáo dục Phủ Thủ tướng Trần Quang Huy thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết với Bộ trưởng Ngoại giao phía Bạn Bohuslav Chnoupek vào ngày 21/3/1977.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sau chuyến thăm chính thức tại Séc và Ba Lan tại Công văn số 1493/VPCP-HTQT ngày 15 tháng 8 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã soạn thảo mới và gửi sang phía Bạn Hiệp định hợp tác văn hóa với Cộng hòa Séc thay thế Hiệp định cũ đã ký năm 1977.

Ngày 22/4/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công hàm số 594/2015 của Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam đề nghị xem xét ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc về hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao.

Ngày 11/6/2Q15, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1183/VPCP-QHQT thông báo kết quả chuyến thăm Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và Cộng hòa A- déc-bai-gian của Chủ tịch nước, trong đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thúc đẩy sớm ký Hiệp định hợp tác văn hóa với Cộng hòa Séc.

Về sự cần thiết ký kết Hiệp định:

Việt Nam và Séc có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao của Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước ta liên tiếp trong năm 2014 và 2015.

Ngày 03/7/2014, Chính phủ cộng hòa Séc chính thức công nhận cộng đồng 65.000 người Séc gốc Việt trở thành dân tộc thứ 14 tại quốc gia này. Đây là một tín hiệu tốt trong hợp tác giữa hai nước khi Chính phủ Séc đồng ý tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa của mình, cũng là cơ sở để hai quốc gia đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao.

Theo đề xuất của phía Bạn, nhằm mở rộng toàn diện hơn nữa hợp tác giữa hai nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy việc ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Thể thao thay thế Hiệp định cũ năm 1977 để phù hợp với tình hình mới sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai quốc gia đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và thể thao, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Hiệp định có tên gọi chính thức là “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc về hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao”, bao gồm 10 điều, nội dung chủ yếu nhằm thiết lập một thỏa thuận khung tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và thể thao giữa hai quốc gia, trong đó khuyến khích tuyên truyền văn học, trao đổi sách, kỉ yếu, tư liệu, tổ chức sự kiện văn hóa và nghệ thuật, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hát, văn học, phim, bảo tàng, mỹ thuật, văn hóa dân gian truyền thống; khuyến khích hợp tác giữa các trường học ở tất cả các cấp; tổ chức hội thảo, hội nghị và các sự kiện khoa học, đào tạo các nhà khoa học; tăng cường hợp tác thanh niên và các tổ chức thanh niên, tham gia vào các sự kiện thể thao của mỗi Bên.

Nội dung Hiệp định phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam, không có điều khoản nào trái với các quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia hoặc là thành viên.

Hiệp định có hiệu lực trong 05 năm và sẽ được tự động gia hạn trong 05 năm tiếp theo trừ khi một trong hai Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định 06 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

Hiệp định được ký kết trên danh nghĩa Chính phủ, bằng tiếng Việt, tiếng Séc và tiếng Anh.

Về tác động của Hiệp định đối với Việt Nam:

Việc ký kết và thực hiện Hiệp định thể hiện sự quan tâm của Chính phủ hai nước đối với những đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa kết quả hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và thể thao, góp phần tăng cường giao lưu, trao đổi, tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia, hai dân tộc. 

Về việc áp dụng Hiệp định:

Sau khi có hiệu lực, Hiệp định có thể áp dụng trực tiếp, toàn bộ mà không đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện Hiệp định.

Về thời điểm ký kết:

Thực hiện Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị Chính phủ cho phép ký kết “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc về hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao” dự kiến nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc vào tháng 10/2015 hoặc vào thời gian thích hợp cho cả hai Bên.

Trong quá trình đàm phán với Cộng hòa Séc, chuẩn bị nội dung Hiệp định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xin ý kiến đóng góp của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ, về cơ bản, các Bộ đều nhất trí về sự cần thiết ký kết Hiệp định cũng như các nội dung trong Hiệp định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng báo cáo và đề nghị Chính phủ: Phê duyệt nội dung và cho phép ký kết “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Séc về hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao”; Ủy quyền Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết văn bản này với đại diện có thẩm quyền của phía Cộng hòa Séc nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn cấp cao Cộng hòa Séc tới Việt Nam trong tháng 10 năm 2015; Giao Bộ Ngoại giao làm các thủ tục ủy quyền theo quy định.

CN



Theo cinet.vn