Bức ảnh bà Võ Thị Thắng với “nụ cười chiến thắng” do một phóng viên

người Nhật chụp năm 1968.




(Cinet)- Quyết định số 2950/QĐ-BVHTTDL ngày 31/8/2015 của Bộ VHTTDL về việc thành lập Ban Tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho đồng chí Võ Thị Thắng - Nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-CTN ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho bà Võ Thị Thắng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Bộ VHTTDL quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho đồng chí Võ Thị Thắng - Nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch gồm:

1. Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng ban;

2. Ông Phùng Huy cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng - Ủy viên thường trực;

3. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Ủy viên;

4. Ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Ủy viên;

5. Ông Nguyễn Kiều Linh, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Ủy viên;

6. Ông Trần Phước Thuận - Đại diện gia đình đồng chí Võ Thị Thắng - Ủy viên;

7. Bà Nguyễn Thanh Hương, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch - Ủy viên.

Ban Tổ chức có trách nhiệm điều hành, tổ chức các công việc có liên quan tới công tác tổ chức Lễ truy tặng. Ban Tổ chức tự giải thể sau khi kết thúc Lễ truy tặng.



Bà Võ Thị Thắng (10/12/1945-22/8/2014), là con út trong một gia đình làm cách mạng ở Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, Võ Thị Thắng đã được giao việc đưa thư, mang cơm khi cùng gia đình nuôi giấu cán bộ. Năm 13 tuổi bà vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức-Long An, khi 17 tuổi tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên-Sinh viên-Học sinh; tiếp đến chuyển sang Phong trào Công nhân rồi lực lượng vũ trang trong lòng đô thị.

Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, khi thực hiện nhiệm vụ trừ gian ở Phú Lâm, Quận 6, bà bị sa vào tay giặc. Với 6 năm ròng rã bị tù đày, bà đã bị kẻ thù tra tấn, giam cầm, đầy đọa từ Nhà lao Thủ Đức đến khám Chí Hòa, từ nhà lao Tân Hiệp, Hố Nai đến nhà tù Côn Đảo. Nhưng với khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, bà cũng như nhiều đồng đội khác đã không bị khuất phục trước bạo lực, cường quyền của kẻ thù. Ngày 7/3/1974, bà được trao trả, trở về với đồng bào, đồng chí tiếp tục sự nghiệp cách mạng đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, bà lần lượt công tác tại Thành đoàn TP.HCM, Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, X, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu ba.

Nụ cười Võ Thị Thắng trong bức ảnh chụp vào ngày bà bị kết án khổ sai năm 1968, là hình ảnh đẹp về người nữ sinh-chiến sĩ miền Nam, và đã trở thành biểu tượng bất khuất, sáng đẹp về niềm tin chiến thắng của người Việt Nam.



T.H



Theo cinet.vn

View more random threads: