Tín ngưỡng thờ Mẫu - một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt.



(Cinet)- Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 15/9/2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu tín ngưỡng trong thời kỳ đương đại (Trường hợp Tín ngưỡng thờ Mẫu)”.

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ban hành theo Quyết định số 83/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Quyết định số 1973/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho phép Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định và các cơ quan liên quan đón các chuyên gia, đại biểu quốc tế vào Việt Nam và tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu tín ngưỡng trong thời kỳ đương đại (Trường hợp Tín ngưỡng thờ Mẫu)” trong khuôn khổ các hoạt động liên quan giới thiệu hồ sơ “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” đã đệ trình UNESCO.

Thời gian tổ chức hội thảo Dd kiến từ 05/1- 06/1/2016 tại Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền đè nén và nạn ngoại xâm tàn bạo, có một mối gắn bó rất tự nhiên với người dân lao động. Trong quá trình lịch sử nó thể hiện khả năng tích hợp văn hóa rất lớn, với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho, với tín ngưỡng các dân tộc thiểu số để cuối cùng trở thành tín ngưỡng đa văn hóa, đa tộc người. Tín ngưỡng này hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Đây là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với nhiều hình tượng người phụ nữ là các nhân vật lịch sử hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu...

Để tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Nghi lễ chầu văn” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đầu năm 2014 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cho phép gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt” để UNESCO xem xét tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những mốc đánh dấu sự chuyển biến nhận thức xã hội về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

T.H





Theo cinet.vn

View more random threads: