[IMG]/userfiles/images/toan-th.jpg[/IMG]


Toàn cảnh Hội thảo (nguồn: internet)



(Cinet)- Hội thảo “Tô Hoài – Một đời văn” do Công ty VH Phương Nam phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 18-7 tại Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là dịp độc giả và các nhà nghiên cứu cùng tri ân và tìm hiểu về những sáng tác trong hơn 70 năm cầm bút của nhà văn nhân kỷ niệm một năm kể từ ngày nhà văn Tô Hoài về với nguồn cội (6/7/2014 - 6/7/2015).

Sự kiện này quy tụ các nhà văn, nhà phê bình cả nước với những đánh giá hết sức tâm huyết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một cây đại thụ làng văn.

Với 20 tham luận được gửi tới Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà văn, ..và độc giả đã cùng nhau nghiên cứu và đưa ra các trao đổi nhằm tập trung khắc họa tầm ảnh hưởng của nhà văn Tô Hoài đối với văn học Việt, đặc biệt ở lĩnh vực văn học thiếu nhi.

Các đại biểu nhận định, Tô Hoài được nhắc đến không chỉ là cha đẻ của 'Dế mèn phiêu lưu kí' và cô Mị trong 'Vợ chồng A Phủ'. Tên tuổi ông gắn liền với nền văn học hiện đại Việt Nam với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài vô cùng phong phú. Ở một góc độ khác, qua những tiểu thuyết lịch sử như 'Nhà Chử', 'Chuyện nỏ thần', 'Ba người khác', 'Mười năm'... nhà văn Tô Hoài đã đưa ra góc nhìn về quá khứ, cho thấy lịch sử trọn vẹn, phong phú nhưng gần gũi.

Riêng với Đặng Thị Thanh Hà - cô sinh viên khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM lại cho rằng: “Đọc tác phẩm, cảm thấy Tô Hoài như đang nắm tay ta lôi tuột vào những ngóc ngách, hẻm hóc để nhìn vào cái bề sau, bề sâu của những gì mà ta ngỡ như đã biết, biết rõ'.

Nhân dịp này,  Công ty sách Phương Nam đã phát hành ba tập truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài, gồm “Khách nợ”, “Chiếc áo xường xám màu hoa đào”, “Chuyện để quên”; bốn tập tiểu thuyết gồm: “Miền Tây”, “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm” và hai tập bút ký: “Ký ức phiêu lãng” và “Ký ức Đông Dương”. Trong đó hai cuốn sách “Miền Tây” và “Mười năm” thuộc danh sách các tác phẩm của Tô Hoài được chọn trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

Tổng kết lại hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hi vọng rằng sẽ sớm có Giải thưởng Tô Hoài – “Hà Nội của tôi” cho những tác phẩm viết về Hà Nội trao vào ngày 29/7 – đúng ngày sinh của ông.

Đây là dịp để khán giả và người dân yêu mến văn học trên cả nước tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của nhà văn Tô Hoài cho quê hương nói riêng và cho nền văn học Việt nói chung.

CN

Theo cinet.vn