Ảnh minh họa. Nguồn: internet



(Cinet)- Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập (1915 - 2015), ngày 25/7, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức trưng bày khoảng 100 hiện vật gồm 3 chuyên đề về văn hóa Chămpa: di tích Chăm tại Đà Nẵng, cổ vật văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa và văn khắc - chữ viết Chăm.

Chuyên đề “Di tích Chăm tại Đà Nẵng” giới thiệu các tác phẩm có giá trị điêu khắc cao như bức phù điêu “Siva - Phong Lệ”; các hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ tại các di chỉ Quá Giáng, Cấm Mít; bên cạnh đó là những hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu như: gốm, thạch anh và các kim loại vàng, bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp; bia chữ Chăm cuối thế kỷ 9; bệ tượng có chạm hình cánh sen, bệ thừa Indra - phiên bản… gợi cho người xem cái nhìn tổng quát về sự phân bố các di tích Chăm tại Đà Nẵng.

Chuyên đề “Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh - Champa” giới thiệu nhiều hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như mộ chum, trang sức thủy tinh, thạch anh và hiện vật gốm, kim loại…nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh.

Chuyên đề “Văn khắc - chữ viết Chăm” giới thiệu những loại hình văn khắc ở thời kỳ đầu như bia thế kỷ 7 của Mỹ Sơn cho đến các loại hình văn khắc muộn như bia Drang Lai thế kỷ 15. Ngoài các văn tự trên bia đá, công chúng còn được xem các văn bản chữ viết Chăm trên chất liệu giấy, lá buông.

Tất cả các hiện vật tại trưng bày lần này cho thấy, văn hóa Chămpa có quá trình phát triển lâu dài, liên tục. Mỗi thời đại, bên cạnh những yếu tố văn hóa truyền thống, nền văn hóa này tiếp thu những ảnh hưởng bên ngoài, tạo nên một chỉnh thể văn hóa Chăm pa thống nhất mà đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc.

CN





Theo cinet.vn