Mùa Xuân, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc thắm khắp núi rừng, cũng là lúc đồng bào các dân tộc bước vào mùa lễ hội đầu xuân. Lễ hội đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.



Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời, còn gọi là đạp núi, là hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân. Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được tổ chức theo hình thức luân phiên. Ngày khai hội, gia chủ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để thầy cúng cúng tạ ơn trời đất ban cho con cái và sức khỏe, đại diện các khách dự hội cầu chúc gia chủ, dân làng người yên, vật thịnh. Đây là hội xuân cầu phúc có từ lâu đời của người dân tộc Mông khi một gia đình nào đó ở trong vùng chậm sinh con sau khi xây dựng hạnh phúc gia đình được dân bản chấp thuận cho phép dựng cây nêu mở hội Gàu Tào cầu phúc sớm sinh con theo ý muốn.

Nghi lễ khai hội là điệu múa khèn, tiếp theo là cảnh hát hội do ông chủ hội (một người có uy tín trong làng) và một vài ông già hát dẫn lời. Sau đó, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra khắp quả đồi rộng: Chỗ thì thi bắn nỏ, quay cù, chỗ thì từng tốp các chàng trai, cô gái chơi đánh yến, ném quả pao, hát gầu plềnh…

Nơi chọn tổ chức hội Gầu Tào là bãi đất rộng ven sườn núi để người dự hội có đông bao nhiêu vẫn có điều kiện tham dự các hoạt động của hội xuân Gầu Tào. Thường được tổ chức ở xã San Sả Hồ dưới chân núi Phan - Xi - Păng và ở xã Tả Giàng Phình.

Dù tổ chức lễ hội với mục đích nào, cầu phúc hay cầu mệnh thì gia chủ cũng đều phải dựa vào ông thầy cúng - người thay thế chủ nhà giao tiếp với tổ tiên hoặc thổ công. Thông thường, chủ nhà tổ chức lễ hội liền trong 3 năm, mỗi năm từ 3 - 5 ngày. Nếu muốn gộp lại trong một năm thì phải kéo dài ngày hội 10 - 12 ngày.


Nghi lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ tổ tiên vào chiều 30 Tết và kết thúc vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4. Lễ vật trên mâm cúng khá đơn giản: gà, cơm, rượu, hương, giấy bản, bánh dày, bánh chưng.

Phần hội được tổ chức trong các ngày mùng 3, 4 hoặc 5. Tuy nhiên ngày bắt đầu khai hội phải là những ngày Sửu, Thìn hoặc Tuất, kiêng ngày Dần. Để tổ chức phần hội chu đáo, từ ngày 25, 26 Tết, chủ nhà phải nhờ những chàng trai khoẻ mạnh chặt cho cây tre to cao làm cây nêu. Cây nêu được trồng tại quả đồi thoai thoải hay bãi bằng mà chủ nhà chọn làm trung tâm lễ hội, thân cây treo một bầu rượu, một miếng vải đỏ để kính báo với thần linh, đồng thời cũng báo hiệu cho cả bản, cả xã biết gia chủ sẽ tổ chức lễ hội và mời cả bản đến chung vui. Tham gia thành phần tổ chức lễ hội, ngoài chủ nhà và thầy cúng còn có một số người khác, đứng đầu là vị “Cáng xử” (Trưởng ban) cùng các “Chí táo” (Uỷ viên). Mỗi Chí táo lo giúp chủ nhà một nội dung chơi. Khi cây nêu dựng xong, chủ nhà làm lễ cúng ngay dưới chân cây mời các vị thần linh cùng tổ tiên về dự hội, phù trợ cho gia chủ được phúc hoặc thoát mệnh.

Từ ngày mùng 3 đến mùng 5, chọn ngày, giờ tốt, chủ nhà tiến hành khai hội. Sau lời tuyên bố lý do của gia chủ, cuộc hát hội bắt đầu, các trai tài, gái sắc đua nhau cất tiếng hát với nội dung chúc tụng, ngợi ca hoặc giao duyên tình cảm, tuyệt đối không hát những bài buồn thương, những lời ca thán. Số diễn viên này phải được Cáng xử chuẩn bị trước và gia chủ phải trả công cho họ. Sau màn hát khai mạc ấy cho đến vài ba ngày tiếp theo, tùy theo kế hoạch của gia chủ, các trò vui diễn ra sôi nổi dưới sự điều hành của Cáng xử và Chí táo tạo nên không khí ngày hội vui tươi, hấp dẫn. Các sinh hoạt văn hóa chủ yếu của người Mông trong lễ hội này là hát giao duyên, thổi khèn lá, kéo nhị, khèn môi, thổi kèn bè, sáo tiêu, múa gậy, múa khèn…Các trò chơi vui khỏe có ném quả pao, đánh cầu, leo núi, đẩy gậy, đua ngựa bắn nỏ, nói ống dày, đánh cù, chơi dấu, vặn gậy, vật cột, đi săn…


Khi chủ nhà làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên cũng là lúc Lễ hội Gầu tào kết thúc. Mảnh vải đỏ được đưa về treo trên cột chính trong nhà hay cửa ra vào là nơi trú ngụ của thần cửa. Nếu là cầu phúc, gia chủ chọn đôi trai gái đông con, con cái khỏe mạnh để khiêng cây nêu về gác lên sàn nhà; nếu là cầu mệnh, cây nêu gác phía sau nhà với hàm ý ngăn cản quỷ ác.

Lễ hội Gầu tào không chỉ là nơi để người Mông thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn là nơi để họ thỏa mãn nhu cầu tinh thần thông qua các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh. Lễ hội cũng là nơi để các chàng trai, cô gái tìm đến giao duyên với nhau nên vợ nên chồng… Chính vì lẽ đó mà ngày nay, Lễ hội Gầu tào không chỉ còn là của riêng người Mông, mà đã thu hút nhiều dân tộc khác cùng đến chung vui, giao lưu văn hóa tinh thần.

Nguồn: http://www.hanoivoyage.com/