Ảnh minh họa. Nguồn: internet



(Cinet)- Trong khuôn khổ triển lãm “Đình làng Việt - Những điều còn mất”, chiều 16/8, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Di sản làng xã còn và mất trong lòng dân”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung về ngôi làng người Việt, sự biến đổi của nó qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là sự biến đổi của làng xã trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập…

Đã từ lâu, đình làng được xem là một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, in sâu vào tâm khảm mỗi con người. Đình làng đẹp, đương nhiên nhiều người biết. Nhưng đẹp như thế nào, đâu là những giá trị tinh hoa đích thực của đình làng, nơi đúc kết những giá trị nguồn cội để mỗi người con của làng dù phiêu bạt khắp bốn phương trời vẫn luôn tưởng nhớ... thì lại chưa chắc đã có nhiều người biết.

Ngày nay, trước những đổi thay của xã hội đã dẫn đến sự mai một các giá trị truyền thống của di tích ở quê hương và người dân dường như không còn thực sự trân trọng những di sản cha ông để lại, tình trạng xâm lấn di tích vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để di sản có thể “sống” được trong lòng người dân? Theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, khi nền kinh tế toàn cầu diễn ra, ở mỗi đất nước, tuy mức sống khác nhau, nhưng hình ảnh thế giới mọi nơi đều đang biến đổi theo một xu hướng chung. Và điều làm nên sự khác biệt đó là những di sản văn hóa mà ẩn chứa trong đó là tinh thần dân tộc, bản lĩnh dân tộc.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, người dân địa phương nên kết hợp bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bởi hiện nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản.

CN





Theo cinet.vn

View more random threads: