Một cảnh trong vở kịch 'Đường đua trong bóng tối'.



(Cinet)- Chiều 19/8, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo “Sân khấu Thủ đô với đề tài hiện đại” với sự tham dự của nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, các cơ quan thông tấn báo chí…

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về những gì được cho là rào cản đối với sân khấu trong việc phản ánh bức tranh muôn màu trong công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước để có những tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm thời đại.

Theo nhận định của PGS.TS Trần Trí Trắc, đề tài hiện đại của sân khấu Thủ đô trong mấy chục năm qua là dòng sáng tạo chủ lưu của nghệ sĩ, ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Những năm gần đây, đề tài hiện đại được thể hiện trên sân khấu Thủ đô thường là tệ nạn “nóng” trong xã hội như tham nhũng, hối hộ, chiếm đoạt tài sản, chạy chức chạy quyền… với những mâu thuẫn đan xen, phức tạp trong gia đình, công sở, cơ quan… Về đề tài này, có thể kể tới tác phẩm “Lâu đài cát”, “Sống tử tế”, “Đường đua trong bóng tối”, “Nắng quái chiều hôm”, “Những mặt người thấp thoáng”…

Tuy nhiên, đó chỉ là một vài “điểm nhấn nhá” cho một thời kỳ sôi động và nhiều đổi mới mà đáng ra phải là tiền đề vô cùng thuận lợi cho người sáng tạo nghệ thuật. Nhà báo Cao Minh thẳng thắn: “Sân khấu Thủ đô thiếu kịch bản sân khấu chất lượng, chưa có sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết… là bởi người viết hiện nay chưa trang bị kiến thức chuyên môn phù hợp mà đã viết, chưa chịu dấn thân vào hiện thực. Cái sự lăn lộn với thực tế cơ sở, trở thành người trực tiếp lao động, cống hiến trong ngành nghề định phản ánh xem ra là xa xỉ. Thế nên tác phẩm chỉ nói chung chung, tiếp cận vấn đề khô cứng, không hấp dẫn được khán giả”.

Đa số ý kiến của các đại biểu đều thừa nhận rằng, trong mọi trường hợp, yếu tố tiên quyết để có một vở diễn tốt là phải có kịch bản hay. Nhưng thực trạng mà nhiều nhà hát, không chỉ riêng ở Hà Nội mà của cả nước đang phải đối diện là “kịch bản hàng chồng nhưng không tìm được kịch bản hay”.

Bàn về giải pháp để cho ra đời các tác phẩm có giá trị, ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình là cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu ở tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… Giải pháp chung là tìm kiếm tài năng, đầu tư, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho họ phát sáng. Bên cạnh đó, mỗi nhà hát phải tạo dựng riêng cho mình một đội ngũ sáng tạo phù hợp với quan điểm, hướng đi của nhà hát; kiên quyết “nói không” với quan điểm dựng vở cho đủ chỉ tiêu.

T.H



Theo cinet.vn

View more random threads: