Ảnh minh họa. Nguồn: internet



(Cinet)- Viện khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức báo cáo kết quả bước đầu khai quật di chỉ Cồn Cọc, xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà.

Theo đó, trong đợt khai quật được tiến hành từ ngày 10/8 đến ngày 25/8, trên diện tích khai quật 30m2 và thám sát 20m2 đã thu được 1642 hiện vật gốm và đá nguyên liệu (chủ yếu là mảnh gốm, đáy gốm, thân gốm, miệng gốm, thân gốm) với loại hình hoa văn thừng, hoa văn đập, hoa văn chải. Thông qua hiện vật thu được, bước đầu các nhà khảo cổ học xác định đây là di chỉ khảo cổ học thời tiền sơ sử có niên đại khoảng 3500 - 4000 năm. Những hiện vật thu được tại đợt thăm dò, khai quật sẽ tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh hà Tĩnh để giữ gìn, bảo quản.

Được biết, từ tháng 3 đến tháng 5/2015, cơ quan khai quật thuộc Trường Đại học KHXHNV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Khảo cổ (Đại học Quốc gia Úc) và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức thăm dò khai quật khảo cổ học Di tích Thạch Lạc và Di tích Rú Điệp. Kết quả khai quật cho thấy đầy đủ ba giai đoạn phát triển của loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró từ sớm đến muộn, một số niên đại C14 đã có của Thạch Lạc lấy ở độ sâu 1m cho thấy niên đại trên 4.000 năm, như vậy có thể giai đoạn sớm nhất của Thạch Lạc (sâu 1.70m) có niên đại trong khoảng thời gian 4.500 - 5.000 năm.

Những kết quả thu được sau quá trình thăm dò, khai quật tại Hà Tĩnh trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học, lịch sử, giúp các chuyên gia khảo cổ học có thêm nhiều nhận định mới về các nền văn hóa cổ.

CN



Theo cinet.vn

View more random threads: