Toàn cảnh Hội thảo (nguồn: internet)



(Cinet)- Ngày 27.8, Hội thảo khoa học “Giá trị văn học trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức đã diễn ra tại tỉnh Tiền Giang. Đây là sự kiện được tổ chức Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nhà văn.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Thế Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang; đồng chí Trương Minh Nhựt, Vụ trưởng – Ban Tuyên giáo trung ương, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang cùng các giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và các nhà văn trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh xuất thân trong một gia đình nông dân. Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Sự nghiệp văn chương của ông để lại cho đời gồm 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, truyện kể, 12 vở kịch và ca kịch, 13 tập thơ, tập ký, 28 tập khảo cứu - phê bình. Ông được mệnh danh là “kho” tiểu thuyết khổng lồ của vùng đất phương Nam. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã góp phần cho tiếng Việt thêm phong phú, mang đậm nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và cùng trao đổi về các vấn đề xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Hầu hết các bản tham luận đã nêu bật được nhân cách cũng như giá trị của các tác phẩm văn chương của ông. Các tác phẩm văn chương của ông đã phản ảnh trung thực tâm lý, tình cảm của người nông dân; phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Lời văn mộc mạc, chân phương, dễ đọc, dễ hiểu phù hợp với giai đoạn sơ khai của phong trào quốc ngữ mới phát triển. Nhiều tác phẩm văn chương của ông đã được dựng thành phim, soạn thành các vở cải lương có giá trị hiện thực cao.

Thông qua đó, Hội thảo đã giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc đời và những cống hiến của nhà văn Hồ Biểu Chánh cho nền văn học dân tộc.

CN

Theo cinet.vn