Chuẩn bị cho cô dâu trong ngày cưới.



(Cinet)- Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người, chủ yếu cư trú ở miền núi phía Tây Bắc. Trong các nghi lễ truyền thống của người Si La, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong tập tục chu kỳ đời người được lưu truyền đến ngày nay.

Trong khuôn khổ chương trình “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sáng ngày 06/9/2015, đồng bào dân tộc Si La đến từ Bản Seo Hay, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã tổ chức tái hiện Lễ cưới của người Si La để giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách.

Cũng giống như lễ cưới của nhiều dân tộc khác, trong lễ cưới của người Si La cũng có một số bước như: dạm hỏi, dạm ngõ, lễ cưới,… Trước ngày cưới, gia đình làm cơm mời ông mối là người già có uy tín trong bản về giúp đỡ gia đình. Ông mối là người thay mặt cho gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: ngày chính thức đón dâu, những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng. Trong ngày tổ chức đám cưới, ông mối lại là người chủ trì hôn lễ, giúp gia đình chuẩn bị lễ vật, xử lý các tình huống xảy ra trong ngày cưới, thực hiện các nghi lễ theo phong tục truyền thống của dân tộc mình.






Nhà trai chuẩn bị đồ lễ cho đám cưới.



Bà Hù Thị Xuân, 66 tuổi đến từ bản Seo Hay, xã Can Hồ cho biết: đối với người Si La ở huyện Mường Tè hiện nay, các nghi lễ tổ chức đám cưới đã được đơn giản đi rất nhiều; ông mối chủ yếu đến nhà cô gái đặt vấn đề và bàn bạc thống nhất các nội dung để tổ chức hôn lễ. Gia đình cũng chọn ngày đẹp ngày tốt để tổ chức lễ cưới.

Cũng theo bà Hù Thị Xuân, lễ cưới được diễn ra hai bước, bước một, đến ngày đã hẹn trước, chị hoặc em gái của chàng trai sẽ đến nhà cô gái thật sớm ngỏ lời xin dâu. Ngày sau đó đoàn nhà trai đến nhà cô gái xin đón dâu. Mẹ hoặc chị của cô dâu sẽ dắt cô ra cửa trao cho cô gái của gia đình nhà trai.






Đưa cô dâu về nhà chồng.





Chú rể vào trong nhà nghe thầy cúng dặn dò các nghi thức trong lễ cưới.





Trong khi cô dâu thay áo mới, khăn mới ở bên ngoài.



Về đến nhà, mọi người phải ngồi ngoài cửa nhà đợi bố mẹ chồng đưa cho quần áo, khăn mới cho cô dâu thay. Gia đình chuẩn bị sẵn một quả trứng, một nắm xôi thể hiện sự mong mỏi về đường con cái, tài lộc của đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng trao nhau trứng và xôi trước sự chứng kiến của tổ tiên. Hai vợ chồng phải ăn hết xôi và trứng trước cửa, đợi khách trong nhà ăn xong thì đoàn đón dâu mới được vào nhà.

Khi hai gia đình đã chuẩn bị tươm tất, nhà trai mang đồ lễ sang nhà gái để làm lễ cúng tổ tiên. Nhà trai cũng phải đưa cặp tân hôn đến làm lễ cúng tổ tiên nhà mình. Sáng hôm sau, hai vợ chồng mang rượu sang nhà gái để làm lễ lại mặt. Lúc này, cha mẹ cô gái mới thực hiện việc tặng quà cho cô con gái đi lấy chồng. Kết thúc lễ cưới, hai bên gia đình đều tổ chức làm lễ lại mặt và lễ cảm ơn ông mối.






Sau đó, chú rể đón cô dâu vào phòng cưới...





... cùng mọi người ăn uống vui vẻ.



Đối với đồng bào Si La, trong đám cưới không thể thiếu những bài hát chúc phúc và cả những điệu múa vui nhộn, điều này làm cho đám cưới không chỉ mang ý nghĩa mừng vui cho hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ mà còn thực sự là một sinh hoạt văn hoá mang tính chất cộng đồng. Những điệu múa với động tác múa tuy không phong phú nhưng có ý nghĩa đặc sắc và mang đậm dấu ấn văn hoá tộc người.







... và nhảy múa chúc mừng cho cô dâu chú rể thành vợ thành chồng.



Được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, dù đã tổ chức đơn giản đi một số bước, nhưng đám cưới của người Si La diễn ra sáng 06/9 vẫn giữ được những nét riêng. Cùng với nhiều hoạt động văn hoá, nhiều lễ hội được tái hiện, diễn ra liên tục từ 02-06/9 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con các dân tộc tỉnh Lai Châu đã giới thiệu tới nhân dân Thủ đô và du khách những phong tục, lễ hội độc đáo, để Ngày Tết Độc lập trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em càng thêm ý nghĩa.

Nguyên Hà (ảnh: Hà Tuấn)

Theo cinet.vn