Một trong số những giếng cổ ở Quảng Trị. Ảnh: internet



(Cinet)- Trước thực trạng bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng của Giếng Đào ở Gio An, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị đang triển khai công tác trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và đưa vào phục vụ hoạt động du lịch tham quan.

Theo đó, các hạng mục trùng tu bao gồm: đường dẫn xuống giếng, bể lắng, máng dẫn nước, bể chứa và hệ thống mương dẫn nước sản xuất. Tất cả hạng mục đều được sắp xếp bằng đá mồ côi nguyên khối, không được ghè đẽo, tác động vào đá nhằm giữ nguyên trạng sau khi trùng tu.

Hệ thống giếng cổ Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 3 năm 2001. 14 giếng cổ bao gồm: Giếng Côi, Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Trạng, Giếng Đào ở thôn An Nha; Giếng Gái 1, Giếng Gái 2, Giếng Nậy thôn An Hướng; Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai thôn Hảo Sơn. Giếng Máng thôn Long Sơn. Giếng Pheo thôn Tân Văn. Trong đó, Giếng Đào là điển hình tiêu biểu cho loại hình giếng máng, nhưng nguồn nước hiện không chảy qua máng dẫn do bể lắng bị xói lở.

Những giếng cổ ở Quảng Trị không chỉ là công trình cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất mà còn là di sản văn hóa có một không hai với giá trị khảo cổ, văn hoá độc đáo, minh chứng về nền văn minh nông nghiệp cổ cũng như sự thông minh sáng tạo của cư dân Chămpa, được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.

CN

Theo cinet.vn

View more random threads: