Toạ đàm có sự tham dự của đông đảo đại biểu. Ảnh: Hà Tuấn



(Cinet)- Sáng 22/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Toạ đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi của mùa thu tháng Tám” nhằm làm rõ hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Chương trình có sự tham dự của các khách mời: ông Lê Đức Vân - Nguyên phụ trách tờ báo Hồn Nước - Tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu-Hà Nội trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945; ông Nguyễn Kim Chi - Phụ trách in báo Hồn Nước; GS.TS Phạm Xanh - Nguyên Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí cách mạng Việt Nam. Nói về điều này, GS.TS Phạm Xanh cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện rất tốt các chức năng của mình: Chức năng tuyên truyền, Chức năng hướng dẫn dư luận, Chức năng tập hợp lực lượng… trong đó đặc biệt là chức năng tập hợp lực lượng để hoàn thành hết sức tốt đẹp sứ mệnh của mình.






Ông Lê Đức Vân chia sẻ những kỷ niệm một thời gian khó khi làm tờ báo Hồn Nước. Ảnh: Hà Tuấn



Là người phụ trách tờ báo Hồn Nước, ông Lê Đức Vân cũng chia sẻ những khó khăn của một thời kỳ làm báo chí cách mạng như: bài vở như thế nào, in ấn ra làm sao, rồi phát hành bằng cách nào…? Ông Vân cho biết, nhận thấy thanh niên là lực lượng chủ chốt của cách mạng, Đảng đã có chỉ thị phải đẩy mạnh tập hợp thanh niên và có chủ trương mỗi thành phố lớn lập một ban thanh vận, ra một tờ báo riêng. Cho đến ngày 19/8/1945, chỉ có Hà Nội làm được điều này, có ban vận động thanh niên và ra được tờ báo Hồn Nước (ra đời tháng 12/1944). Tính đến ngày 19/8/1945, Hồn Nước ra được 6 số, mỗi số 2 trang, in khoảng hơn 100 tờ, với các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, được thanh niên chuyền tay nhau đọc, khích lệ tinh thần yêu nước của thanh niên, dần dần vận động họ tham gia tổ chức. Không chỉ thanh niên, nhiều người khác cũng được xem báo, từ đó tham gia, ủng hộ Việt Minh và trở thành chỗ dựa cho cách mạng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Nhớ lại những khó khăn trong quãng thời gian làm báo, ông Vân cho biết: “Ngày đầu, xưởng in bằng tảng thạch, viết bằng mực tím đặc, sau đó đặt tờ giấy để in. Tuy nhiên, việc in bằng thạch không được bền, chỉ in đến tờ thứ 5, thứ 6 hàng chữ bắt đầu mờ nhạt dần”. Vì vậy, từ số báo thứ 2 bỏ việc in theo kiểu thạch và in thử bằng đá ẩm, một loại đất sét trắng, đóng trong khay với kích thước 65x75cm được ông Lê Đức Vân mua từ chỗ cửa hàng đục bia Hàng Mắm thời đó. Để in được bằng đá ẩm đòi hỏi phải mài mặt đá thật nhẵn lì, lúc viết bằng thứ mực đặc biệt (có tên tiếng Pháp là charbonaise). Kiểu viết chữ ngược trên mặt đá, và phải là những cây bút giỏi mới viết được và người viết phải vừa thiết kế và biên tập chữ…






Quang cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Hà Tuấn



Tại buổi Toạ đàm, nhiều câu hỏi đã được gửi tới các đại biểu khách mời, nhằm làm rõ hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cũng như khẳng định rõ hơn nữa tính chất, ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng ít đổ máu nhất giành chính quyền về tay nhân dân.

T.H



Theo cinet.vn