Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)



(Cinet)- Sáng 22/9, tại thành phố Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: Đây là Hội thảo khoa học có quy mô quốc gia đầu tiên về Ca Huế, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của 25 nhà nghiên cứu, nhà quản lý là các chuyên gia trong và ngoài tỉnh tham gia. Các tác giả đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu và sưu tầm tài liệu để có những đóng góp khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Ca Huế và đề xuất các giải pháp nhằm định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế.

25 tham luận được gửi tới và trình bày tại hội thảo đều cho rằng Ca Huế được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét với hai làn điệu chính: điệu Bắc (Khách) và điệu Nam.

Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, Ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Giáo sư, Tiến sỹ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, từ Nhã nhạc, và cả ca Huế “theo chân” các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng dân cư Việt để toả sáng. Ca Huế vì thế có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt và xứng đáng được tôn vinh.

Các tham luận tại hội thảo đặt vấn đề, cũng như nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác, loại hình Ca Huế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn và phát huy. Dó đó, vấn đề bảo tồn và lưu truyền loại hình truyền thống này cần có những công trình nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn. Bên cạnh đó, trong đời sống đương đại hiện nay, Ca Huế phải được đặt trong không gian, thời gian, đối tượng, điều kiện diễn xuất, mới có thể tạo ra được nét ấn tượng và sức hút cho riêng mình. Việc đưa ra giải pháp hợp lý từ hoạt động đào tạo và truyền nghề cũng là vấn đề rất cần được quan tâm từ các cấp, ngành và bản thân mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế. Để nghệ thuật Ca Huế thực sự được lan tỏa và đón nhận một cách sâu rộng việc soạn lời mới cho Ca Huế cũng là một giải pháp cần được quan tâm.

T.H



Theo cinet.vn

View more random threads: