Tác phẩm Một thoáng Chiêu Quân - tại đám rước hội Đền Đô - Bắc Ninh

sẽ được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: internet



(Cinet)- Từ ngày 02 - 15/10, tại Hàng Da Galleria, Trung tâm thương mại Hàng Da, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm ảnh “Ký ức làng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

Triển lãm giới thiệu 60 bức ảnh với điểm nhìn đa dạng, từ toàn cảnh đến cận cảnh, truyền tải một cách chân thực chuyện người trong cái “vỏ” là ngôi làng với những vui buồn, được mất, hạnh phúc hay bất hạnh, gặp gỡ hay chia ly…

Tác giả Nguyễn Hữu Bảo sinh năm 1952, ông là cựu thực tập sinh tại Tiệp Khắc (1967-1970), Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội lịch sử Việt Nam. Ông từng có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm như: Australia - Vừa chạy vừa chụp (Tại Hà Nội, TP.HCM - 1999), Các làng nghề truyền thống (Tại Festival Huế - 2005), Thành đô yêu dấu (Tại Hà Nội - 2010), Vẻ đẹp Việt Nam (tại Aliance France - Hà Nội - 1993), Một Hà Nội khác ( Tại Hà Nội - 2009), Làng quê Việt Nam (Tại Paris - France - 2014).

Giới thiệu về triển lãm lần này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng. Nói cách khác hiểu được làng thì sẽ hiểu nước Việt, làng chính là hình ảnh cô đọng của nước Việt. Người chụp Nguyễn Hữu Bảo đã góp một điểm nhìn khác cho câu chuyện về làng. Ký ức làng của anh chính là ký ức về người làng trong “cảm xúc của tôi, cách nhìn của tôi”. Chân dung làng chính là chân dung những con người ở làng. 64 bức ảnh trong Ký ức làng chính là 64 câu chuyện người của ngôi làng Việt. Dù là vui buồn, được mất, hạnh phúc hay bất hạnh, gặp gỡ hay chia ly, giông bão hay bình yên… thì vẫn là chuyện người. Làng chỉ là cái vỏ, nội dung của làng phải là con người.

Ống kính của Nguyễn Hữu Bảo hiếm khi có toàn cảnh, phần lớn là trung cảnh, trung cận và cận để được gần hơn, được va chạm, tiếp xúc với làng trực tiếp hơn, nghe được rõ hơn tiếng làng, chuyện làng, hơi thở, số phận của làng. Nhìn được rõ hơn việc làng. Sống chung với làng như người làng thì mới hiểu để chụp và chụp trung thực được. Cảnh làng, cây đa, bến nước chỉ là nền, làm nền cho câu chuyện chính yếu là chuyện người. Có người Việt nào trên dải đất này, ngay cả những người sinh ra ở thành phố, ngay cả những con người hiện đại hôm nay mà lại không có cội rễ làng trong máu của mình”.

CN









Theo cinet.vn

View more random threads: