Múa rối nước- loại hình nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc

(nguồn: internet)



(Cinet)- Ngày 1/10, tọa đàm “Những kinh nghiệm Gìn giữ và Phát triển nghệ thuật Sân khấu dân tộc” do Hội Sân khấu Việt Nam chủ trì đã diễn ra tại Đà Nẵng.

Nhân vật chính của sự kiện lần này là GS.TS đạo diễn sân khấu đến từ Singapo, thành viên của Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) – ông Chua Soo Pong đã có trao đổi và truyền đạt kinh nghiệm quý báu với các nghệ sĩ Việt Nam trong công tác giữ gìn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc.

Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa đa dạng với một kho tàng nghệ thuật sân khấu vô cùng quý giá với các bộ môn: Tuồng, chèo, cải lương... Trong thời kỳ hoàng kim, những vở diễn thuộc các bộ môn này đã làm rung động hàng triệu trái tim người xem qua các đêm diễn. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ thông tin, các chương trình giải trí có mặt khắp nơi, khiến cho sân khấu nói chung và sân khấu dân tộc nói riêng lâm vào tình trạng thưa vắng người xem. Câu hỏi được đặt ra là “vậy trong hoàn cảnh đó, làm thế nào để bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc?”

Để trả lời cho câu hỏi đó, bằng những kinh nghiệm trong nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng với những tích lũy trong những lần được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa thế giới, GS.TS Chua Soo Pong đã đưa ra những chia sẻ vô cùng cởi mở và xác đáng, đề cập chính xác đến những điểm rối đang cần được tháo gỡ của những người đang tham gia hoạt động Sân khấu dân tộc Việt Nam.

Với những dẫn chứng cụ thể về cách làm tại các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, GS.TS Chua Soo Pong đã đưa ra những cách nhìn, cách tiếp cận mới cho giới nghệ sĩ Việt Nam trong việc giữ gìn nghệ thuật sân khấu. Một trong số đó là ví dụ về loại hình nghệ thuật sân khấu Khon của Thái Lan. Từ những năm 1980, nghệ thuật Khon đã có những biểu hiện của sự suy yếu. Nhận thức được điều đó, Thái Lan đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển loại hình nghệ thuật này và tạo nên thành công. Họ đã đưa Khon ra ngoài đường phố biểu diễn trong thời gian dài; đưa Khon ra nước ngoài biểu diễn tại các liên hoan, hội chợ quốc tế; cho ra những cuốn sách được nghiên cứu rất kỹ dành cho trẻ em; 1 ngày TV chiếu Khon 30 phút; chính phủ Thái Lan buộc tất cả học sinh nước này thuộc và hát được những bài hát về Khon;…

Từ những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, GS.TS Chua Soo Pong đã đưa ra 5 giải pháp nhằm gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc, đó là: thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo về nghệ thuật tại các trường học; tạo điều kiện để các học sinh đến những liên hoan quốc tế, cho họ xem những buổi biểu diễn chuyên nghiệp; viết thêm nhiều tác phẩm mới, đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu hơn; tổ chức những chương trình giành riêng cho những người trẻ tuổi biểu diễn; xuất bản những cuốn sách về nghệ thuật truyền thống cho trẻ em và tổ chức những cuộc tọa đàm, nói chuyện với trẻ em về nghệ thuật truyền thống.

CN

Theo cinet.vn