'Tuyển tập Vũ Hạnh'. (Ảnh: Internet)



(Cinet)- Ngày 5/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Thành phố đã tổ chức tọa đàm khoa học “Tuyển tập Vũ Hạnh - Đời văn, chiến sĩ”.

Tọa đàm được tổ chức nhân dịp nhà văn Vũ Hạnh tròn 90 tuổi, đồng thời ra mắt bộ sách “Tuyển tập Vũ Hạnh”, nhằm góp phần đánh giá những mặt giá trị tư tưởng, văn hóa lịch sử, văn học các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh; ghi nhận những đóng góp của ông đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa dân tộc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với 28 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ cùng trao đổi phân tích các nội dung trọng tâm như: Giá trị tư tưởng, văn hóa, văn học, giá trị lịch sử và tác động xã hội của các bài tiểu luận, phê bình về văn hóa, các tác phẩm văn học tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh; Vai trò và ảnh hưởng của nhà văn Vũ Hạnh cùng những tác phẩm của ông trong phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc tại Sài Gòn trước 30/4/1975; Ý nghĩa của các tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Hạnh dưới góc độ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tính đến nay, sự nghiệp văn chương của nhà văn Vũ Hạnh với trên dưới 60 tác phẩm để lại cho người đọc nhiều ấn tượng về bút pháp và tầm tư tưởng tiến bộ. Với gần 40 truyện ngắn, tiêu biểu như “Bút máu”, “Chất ngọc”, “Vị ngọt”, “Mùa xuân trên đỉnh núi cao”, “Vượt thác”…, các truyện của nhà văn Vũ Hạnh tràn đầy sức sống. Tác phẩm “Cô gái Xà Niêng”... cũng đã khẳng định được tên tuổi của ông trong “làng' tiểu thuyết Việt Nam. Đặc biệt, ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa đạt đến đỉnh cao như: Công trình nghiên cứu “Đọc lại truyện Kiều”; tác phẩm “Người Việt cao quý” đến nay vẫn luôn có sức thuyết phục sâu rộng, được đông đảo mọi tầng lớp người dân đồng cảm.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945. Sau 30/4/1975, nhà văn Vũ Hạnh làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố (1985 - 2010). Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

T.H



Theo cinet.vn

View more random threads: