Cuốn sách Phố phường Hà Nội xưa. Ảnh: internet



(Cinet)- Sáng 8/10, tại Hiệu sách Nhã Nam, 107 B9 Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm “Những cuốn sách về Hà Nội”.

Triển lãm giới thiệu 60 cuốn sách, trong đó có những cuốn xuất bản từ những năm đầu thế kỷ XX, thuộc bộ sưu tập “Hà Nội của tôi” của nhà sưu tầm Nguyễn Thế Bách.

Đến với triển lãm, độc giả sẽ gặp lại những tựa sách của những tác giả nổi tiếng trong làng văn Việt Nam như Nguyễn Tuân với “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Nguyễn Huy Tưởng với “Sống mãi với Thủ đô”, Vũ Bằng với “Miếng ngon Hà Nội”, Hoàng Đạo Thúy với “Phố phường Hà Nội xưa”…

Dịp này, nhiều cuốn sách cũ về Hà Nội cũng được in lại, và giới thiệu như: “Miếng ngon Hà Nội” (Vũ Bằng), “Hà Nội băm sáu phố phường” (Thạch Lam), “Hà Nội lầm than” (Trọng Lang), “Hà Nội cũ” (Doãn Kế Thiện).

Trong số 60 cuốn sách được trưng bày lần này có cuốn nhiều tuổi nhất là “Hà Nội chỉ nam” của ông Nguyễn Bá Chính, in năm 1827, chứa đựng rất nhiều tư liệu về du lịch, con người, địa chính Hà Nội thời thuộc Pháp. Hay công phu và đặc sắc nhất là bộ sách “Hà Nội đầu thế kỉ” của nhà văn Nguyễn Văn Uẩn với hàng nghìn trang, biên khảo về sinh hoạt, đời sống, những di tích, danh nhân Hà Nội đầu thế kỉ XX.

Theo nhà sưu tầm Nguyễn Thế Bách, những cuốn sách cũ thể hiện một Hà Nội xưa rất đẹp, rất văn minh. Với những người trẻ tuổi thì sự trải nghiệm và thưởng thức về hình ảnh Hà Nội không thể bằng những người lớn tuổi, nhưng qua đọc sách và sưu tầm sách anh mới vỡ ra nhiều kiến thức và đi đến một nhận định: Hà Nội xưa so với bây giờ tuy nghèo nhưng giàu ở văn hóa. Văn hóa Hà Nội xưa rất phong phú. Nhiều nét văn hoá đẹp của Hà Nội xưa giờ đã biến đổi hoặc không còn nữa. Đó là một trong những nét thay đổi khiến cho nhiều người cảm nhận Hà Nội bây giờ không được như xưa.

CN



Theo cinet.vn

View more random threads: