Đứng trước tiến trình phát triển quá nhanh, dù kết quả bước đầu, nhưng thách thức lớn vẫn đặt ra đối với Bình Dương đó là tiếp tục triển khai nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường (BVMT) để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Môi trường ngày càng được cải thiện

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương, từ khi UBND tỉnh ban hành quy định về bố trí ngành nghề sản xuất công nghiệp theo định hướng không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bố trí các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía nam của tỉnh, công tác BVMT đã có nhiều chuyển biến, góp phần phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, từng bước chủ động khống chế và kiểm soát ô nhiễm.

Con số thống kê cho biết, hiện nay, tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn tỉnh là 284.000m3/ngày, trong đó nguồn thải từ hoạt động công nghiệp khoảng 140.000m3/ngày (55.400m3/ngày từ khu công nghiệp, còn lại từ các cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp). Nhằm kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống, tính đến năm 2015, Bình Dương đã đầu tư xây dựng được 3 trạm quan trắc nước mặt tự động phục vụ cho công tác quan trắc chất lượng nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đặc biệt, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước triển khai lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động với “Dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động cho các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh” được thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2009, giai đoạn 2 từ năm 2013 đến tháng 6-2015. Cả hai giai đoạn đã được đưa vào vận hành ổn định. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 chủ nguồn thải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc chất lượng nước thải và kết nối về Trạm điều hành trung tâm của Sở TN&MT, trong đó có 21 khu công nghiệp, giúp kiểm soát liên tục và tự động 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh.

Đối với việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Bình Dương hiện có 266/269 cơ sở trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành biện pháp khắc phục ô nhiễm, đạt tỷ lệ 98,9%, cùng với 19 nhiệm vụ hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thực hiện... Bên cạnh đó, Bình Dương chú trọng công tác quản lý chất thải nguy hại; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

Nhiều giải pháp hữu hiệu

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, Bình Dương vẫn còn có một số hạn chế trong công tác BVMT. Vì thế, để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa, trong giai đoạn tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các chương trình lắp đặt hệ thống quan trắc online, xây dựng báo cáo chuyên đề, tổng hợp số liệu nhằm đánh giá tổng thể chất lượng môi trường ở địa phương; song song với việc vận hành, mở rộng hệ thống giám sát nước thải tự động của các khu công nghiệp và một số doanh nghiệp có lưu lượng thải lớn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng sẽ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động sử dụng tiết kiệm năng lượng để BVMT, giảm thiểu phát sinh khí thải CO2 trong sinh hoạt đô thị; nghiên cứu thiết kế hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời ứng dụng trong dân dụng.

Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn là vấn đề cần quan tâm cùng với việc xây dựng các mô hình quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2014-2016. Bình Dương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác BVMT các cấp phục vụ cho công tác quản lý trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc ký quỹ BVMT; thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp thuộc cấp huyện quản lý vào Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác khu vực quốc tế về BVMT.

Điều quan trọng là các cấp, các ngành ở Bình Dương chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về lập đề án bảo vệ môi trường; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý môi trường cho doanh nghiệp và các hội đoàn thể, đi đôi với việc triển khai nhân rộng mô hình tự quản môi trường tại các khu dân cư và vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường… Có như vậy, chất lượng môi trường ở Bình Dương ngày càng cải thiện, góp phần lớn vào tiến trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh.