[IMG]/userfiles/images/1(5).jpg[/IMG]


Các khách mời đến tham quan trưng bày (nguồn: Báo Bắc Ninh)



(Cinet)- Ngày 22/10, Hội thảo “Quê ngoại Kinh Bắc với Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới và Truyện Kiều” do Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam tại Bắc Ninh tổ chức đã diễn ra tại Bắc Ninh.

Tham dự Hội thảo có đông đảo khách mời là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam và đại diện dòng họ bên nội, ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du.

Truyền thống của dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hoá cùng với tư chất thông minh đã góp phần tạo nên một thi hào Nguyễn Du với lòng thương người và tinh thần nhân văn sâu sắc. Để khẳng định cho luận điểm đó, Hội thảo “Quê ngoại Kinh Bắc với Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới và Truyện Kiều” đã tập trung thảo luận và đưa ra các luận cứ, quan điểm về sự ảnh hưởng của văn hóa Kinh Bắc với Đại thi hào Nguyễn Du cũng như tác phẩm Truyện Kiều.

Nhiều tham luận hay và thuyết phục đã được trình bày tại hội thảo như: tham luận “Quan họ với Nguyễn Du” của Phó Giáo sư Trương Sỹ Hùng - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; “Truyện Kiều với lời ca Quan họ Bắc Ninh” của Thạc sĩ Ngô Thị Quyên; “Quê ngoại Kinh Bắc với Nguyễn Du và Truyện Kiều” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam…Qua đó góp phần khẳng định về tầm quan trọng của văn hóa Bắc Ninh đối với tư tưởng sáng tác nghệ thuật của cụ Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, để làm rõ giá trị và nội dung trong tác phẩm Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những đánh giá, giải thích một số cụm từ trong Truyện Kiều như: Thử giải thích mấy chữ trong Truyện Kiều của Giáo sư -Tiến sĩ Hoàng Đình Sử và những giá trị tiêu biểu của Truyện Kiều; Bàn luận về những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Truyện Kiều trên quê hương Kinh Bắc.

Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã trưng bày triển lãm các di vật của gia tộc Nguyễn Du gồm khoảng 250 hiện vật, hình ảnh, di vật của quê nội Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và 4 gia tộc Nguyễn Du tại Bắc Ninh; bộ sưu tập 61 bản Kiều cổ chữ Nôm và chữ Quốc ngữ của Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam Nguyễn Khắc Bảo; hơn 100 đầu sách nghiên cứu, bàn luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du của các nhà nghiên cứu,…Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 29/10.

Đây là một trong những hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du nhằm thể hiện sự tôn trọng, biết ơn với những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du cho văn hóa dân tộc.

CN

Theo cinet.vn

View more random threads: