Hội thảo tham vấn lần thứ hai về Chương trình hành động PCBLGĐ

(Ảnh: Internet)




(Cinet)- Tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn lần thứ hai về Khung theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đến năm 2020.

Chương trình nhằm tham vấn ý kiến các đại biểu bộ, ngành trung ương và đại diện địa phương khu vực phía Nam nhằm hoàn thiện dự thảo khung theo dõi và đánh giá việc thực hiện chương trình Hội đồng quốc gia về PCBLGĐ.

Khung chỉ số đưa ra lấy ý kiến các đại biểu lần này gồm 38 chỉ số theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu của Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 và các chỉ số đánh giá việc thực hiện của các Bộ, ngành nhằm hoàn thành mục tiêu của Chương trình nói trên đến năm 2020.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, việc theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình hành động một cách cụ thể sẽ góp phần cung cấp kịp thời những thông tin sát thực và có giá trị từ thực tiễn, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định đúng đắn để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra. Các chỉ số của Khung theo dõi và đánh giá này cũng được chi tiết, cụ thể hóa trong tài liệu hướng dẫn thực hiện. Trong đó có phương pháp, chu kỳ thu thập số liệu, đơn vị chịu trách nhiệm báo cáo số liệu, phối hợp và đánh giá về từng chỉ số…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị xem xét lại những chỉ số về cơ sở bảo trợ xã hội, lồng ghép nội dung PCBLGĐ và các cơ sở giáo dục và đào tạo… Đồng thời cần có thông tư liên tịch hướng dẫn việc phân bổ ngân sách nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương có nguồn kinh phí để tiến hành thống kê trên diện rộng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, nước ta hiện vẫn chưa có các chỉ số quốc gia trong theo dõi và đánh giá những vấn đề về gia đình. Do đó, cần sớm hoàn thiện khung chỉ số nói trên để làm cơ sở cho các địa phương và Bộ, ngành theo dõi, đánh giá những vấn đề sát với thực tiễn trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, trong đó nhấn mạnh đến các hình thức và cách thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hậu quả của hành vi bạo lực ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Kết thúc hội thảo, bà Tuyết Ánh nhấn mạnh, việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 được gắn chặt chẽ với nhiều Bộ, ngành và địa phương cả nước. Khung chỉ số nói trên được hoàn thiện và ban hành sẽ tạo cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các Bộ, ngành liên quan, đồng thời là bộ tiêu chí giúp các địa phương nắm được thực trạng các vấn đề liên quan gia đình trên địa bàn, qua đó nâng cao.

CN



Theo cinet.vn