Một góc trưng bày tại Bảo tàng Áo dài TP.HCM. Ảnh: TTVH



(Cinet)- Ngày 17/11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra tọa đàm Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam.

Đây là sự kiện do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức. Tọa đàm đã chỉ ra xu hướng phát triển của hệ thống bảo tàng trên thế giới, làm rõ chủ trương, chính sách về thành lập bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam. Đồng thời giúp nhận diện một cách khách quan, tổng thể quá trình phát triển, đóng góp cũng như hạn chế của hệ thống bảo tàng ngoài công lập.

PGS.TS.Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, từ Luật Di sản văn hóa 2001, Việt Nam chấp nhận loại hình mới là bảo tàng ngoài công lập, đã tạo ra hành lang pháp lý để bảo tàng tư nhân ra đời. Tạo lập khung pháp lý năng động cho việc phát triển bảo tàng ngoài công lập cũng là một trong những mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng Việt Nam, bên cạnh chỉnh lý, nâng cấp những bảo tàng đã có để đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra, theo hướng bảo tàng không chỉ là kho lưu giữ hiện vật, mà phải hướng đến cộng đồng, phục vụ những gì mà cộng đồng yêu cầu.

“Lịch sử sự nghiệp bảo tàng của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy các bảo tàng tư nhân ra đời rất sớm, không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự ra đời của các bảo tàng ngoài công lập ở nước ta chậm hơn 300 năm, chưa đầy 10 năm, nhưng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần có sự quan tâm của các tổ chức, bộ, ban, ngành liên quan để tạo sức mạnh, khuyến khích sự phát triển của các bảo tàng này” - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Phạm Mai Hùng nhận định.

Trong những năm gần đây, số lượng bảo tàng ngoài công lập đã tăng nhanh. Mạng lưới bảo tàng Việt Nam hiện có gần 150 bảo tàng, trong đó đã có 25 bảo tàng ngoài công lập.

CN

Theo cinet.vn

View more random threads: